Hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động cần phải nộp cho cơ quan nào?
Nội dung chính
Hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải nộp cho ai?
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải nộp cho cơ quan nào? Nhờ tư vấn.
Trả lời:
Theo Điều 25 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép như sau:
1. Doanh nghiệp gửi một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép.
2. Sau khi kiểm tra đủ giấy tờ quy định tại Điều 24 Nghị định này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bảo đảm theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.
Như vậy, theo quy định thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải được gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép. Trình tự thủ tục cấp phép thực hiện theo quy định này.
Hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động cần phải nộp cho cơ quan nào? (Hình từ Internmet)
Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thể gia hạn không?
Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thể gia hạn hay không? Nếu được thì được gia hạn tối đa mấy lần?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 23 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, theo đó:
Thời hạn của giấy phép được quy định như sau:
a) Thời hạn giấy phép tối đa là 60 tháng;
b) Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng;
...
Như vậy, theo quy định thì giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động được phép gia hạn, gia hạn được nhiều lần và không bị giới hạn số lần gia hạn, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng (bằng với thời hạn của giấy phép được cấp lần đầu).
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có cần phiếu LLTP không?
Cho hỏi, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có cần phiếu LLTP của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay không? Nhờ tư vấn.
Trả lời:
Điều 24 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, trong đó:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 05/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 07/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người đại diện là người nước ngoài không thuộc đối tượng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp tại quốc gia mang quốc tịch.
Các văn bản nêu tại khoản này được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng. Văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.
...
Như vậy, theo quy định về hồ sơ cấp giấy phép, đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại lao động thì phải có Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp.