Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn tối đa bao nhiêu tháng theo quy định pháp luật hiện hành?

Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn tối đa bao nhiêu tháng? Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là bao nhiêu tháng?

Nội dung chính

    Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn tối đa bao nhiêu tháng?

    Tại Điều 23 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, cụ thể như sau:

    Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

    1. Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động in trên giấy bìa cứng có kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm); mặt trước ghi nội dung của giấy phép trên nền trắng có hoa văn màu xanh da trời, có hình quốc huy in chìm, khung viền màu đen; mặt sau có quốc hiệu, quốc huy và dòng chữ “GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG” in trên nền màu xanh da trời.

    2. Nội dung giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 04/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

    3. Thời hạn của giấy phép được quy định như sau:

    a) Thời hạn giấy phép tối đa là 60 tháng;

    b) Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng;

    c) Thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.

    Như vậy, giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn tối đa 60 tháng. Đồng thời, giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng.

    Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn tối đa bao nhiêu tháng theo quy định pháp luật hiện hành? (Hình từ Internet)

    Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là bao nhiêu tháng?

    Tại Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động như sau:

    Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động

    1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

    2. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

    a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

    b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;

    c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

    3. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

    a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

    b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

    c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

    4. Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

    Như vậy, thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

    Doanh nghiệp cho thuê lại lao động đề nghị cấp lại giấy phép trong trường hợp nào?

    Tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về cấp lại giấy phép như sau:

    Cấp lại giấy phép

    1. Doanh nghiệp cho thuê lại đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp lại giấy phép trong các trường hợp sau đây:

    a) Thay đổi một trong các nội dung của giấy phép đã được cấp, gồm: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính nhưng vẫn trên địa bàn cấp tỉnh đã cấp giấy phép; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

    b) Giấy phép bị mất;

    c) Giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép;

    d) Thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang địa bàn cấp tỉnh khác so với nơi đã được cấp giấy phép.

    2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép như sau:

    a) Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 05/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

    b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp thay đổi tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính nhưng vẫn trên địa bàn cấp tỉnh đã cấp giấy phép hoặc giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép;

    c) Các văn bản quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 24 Nghị định này đối với trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

    d) Các văn bản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 24 Nghị định này đối với trường hợp giấy phép bị mất;

    ...

    Như vậy, doanh nghiệp cho thuê lại lao động được đề nghị cấp lại giấy phép khi thuộc các trường hợp dưới đây:

    - Thay đổi một trong các nội dung của giấy phép đã được cấp, gồm:

    + Tên doanh nghiệp.

    + Địa chỉ trụ sở chính nhưng vẫn trên địa bàn cấp tỉnh đã cấp giấy phép.

    + Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

    - Giấy phép bị mất.

    - Giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép.

    - Thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang địa bàn cấp tỉnh khác so với nơi đã được cấp giấy phép.

    31