Hành vi vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ đối với tàu biển được hiểu như thế nào?

Xin hỏi thế nào là hành vi vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ đối với tàu biển? - Câu hỏi của Thanh Phan (Hải Phòng).

Nội dung chính

    Hành vi vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ đối với tàu biển được hiểu như thế nào?

    Căn cứ Điều 12 Thông tư 105/2022/TT-BQP quy định hành vi vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ đối với tàu biển như sau:

    Hành vi vi phạm các quy định về an toàn sinh mạng trên tàu biển; vi phạm các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với tàu biển quy định tại Điều 18 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 3 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP và Điều 19 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 3 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP

    1. Các trang thiết bị an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển (bao gồm các phương tiện cứu sinh, phòng cháy, phát hiện và chữa cháy) được lắp đặt trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa quy định tại Quyết định số 59/2005/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về trang thiết bị an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển lắp đặt trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa.

    2. Hành vi không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là hành vi không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 03/2020/TT-BGTVT ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

    Theo quy định nêu trên, hành vi được xem là vi phạm quy định về phòng chống cháy nổ, an toàn sinh mạng đối với tàu biển gồm:

    - Không có bảng phân công nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp tại các vị trí cần thiết hoặc có bảng phân công nhiệm vụ nhưng không phù hợp với thuyền bộ của tàu hoặc bảng phân công đã bị hư hỏng;

    - Thuyền viên không sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu sinh, cứu thủng của tàu;

    - Không ghi, ghi không đầy đủ, ghi không đúng nội dung nhật ký hàng hải, nhật ký máy hoặc các loại nhật ký khác không thuộc các nhật ký quy định.

    - Các trang thiết bị cứu sinh không bảo đảm chất lượng hoặc không bảo đảm sẵn sàng hoạt động được ngay;

    - Bố trí trang thiết bị cứu sinh của tàu thuyền không đúng quy định;

    - Các trang thiết bị cứu sinh đã hết hạn sử dụng.

    - Không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu hoặc vượt quá mức cho phép của trang thiết bị cứu sinh trên tàu theo quy định; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, cứu thủng theo quy định

    - Hành vi chở hàng quá quy định so với tổng dung tích của tàu biển.

    - Hành vi chở khách quá số lượng quy định so với tổng dung tích của tàu biển.

    - Không có các dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn cần thiết ở những nơi dễ cháy, dễ nổ;

    - Không có sơ đồ hệ thống cứu hỏa, bảng phân công cứu hỏa hoặc bảng chỉ dẫn thao tác ở những vị trí trên tàu theo quy định;

    - Trang thiết bị cứu hỏa đặt không đúng vị trí quy định trên tàu thuyền.

    - Không trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ theo quy định;

    - Trang thiết bị phòng chống cháy nổ không sử dụng được hoặc đã hết hạn kiểm định

    - Không có kế hoạch ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp;

    - Trang thiết bị cứu hỏa không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động theo quy định;

    - Sử dụng phương tiện chuyên dùng chữa cháy vào mục đích khác;

    - Chở chất dễ gây cháy, nổ cùng với hành khách.

     

    (Hình từ Internet)

    Trách nhiệm tàu thuyền về phòng chống cháy nổ như thế nào?

    Theo Điều 113 Nghị định 58/2017/NĐ-CP quy định về trách nhiệm tàu thuyền về phòng chống cháy nổ như sau:

    - Thuyền trưởng của tàu thuyền hoạt động tại cảng biển có nghĩa vụ thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống cháy, nổ.

    - Trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ của tàu thuyền phải được đặt đúng nơi quy định và luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

    - Tại tất cả những nơi dễ cháy, nổ hoặc tại các khu vực, địa điểm khác trên tàu thuyền phải có dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn theo quy định của pháp luật.

    - Những người làm nhiệm vụ tại nơi dễ cháy, nổ trên tàu thuyền, trong cảng phải được huấn luyện thành thạo về nghiệp vụ phòng, chống cháy, nổ.

    - Tàu thuyền khi tiếp nhận nhiên liệu cần phải:

    +) Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ;

    +) Đóng kín các cửa mạn ở phía cấp nhiên liệu;

    +) Chấp hành mọi quy trình, quy tắc an toàn kỹ thuật khi tiếp nhận nhiên liệu;

    +) Bố trí người thường trực ở trên boong và ngay tại nơi tiếp nhận nhiên liệu.

    - Sử dụng các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ của cảng và của tàu thuyền đúng mục đích.

    - Chỉ tiến hành các công việc có phát ra tia lửa ở trên mặt boong, trong hầm hàng, dưới buồng máy khi nhận được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải.

    - Khi tiếp nhận nhiên liệu, không tiến hành những việc sau đây:

    +) Cho tàu thuyền khác cập mạn;

    +) Bơm nhiên liệu qua các loại ống, vòi hoặc khớp nối không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

    - Việc cho phép thực hiện sửa chữa, vệ sinh tàu thuyền hoặc thực hiện các hoạt động hàng hải khác trong vùng nước cảng biển nếu có thể ảnh hưởng đến phương án phòng, chống cháy, nổ, trước khi quyết định, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về phòng, chống cháy, nổ tại khu vực.

    Tàu biển có trang bị các trang thiết bị phòng chống cháy nổ nhưng không sử dụng được thì bị phạt bao nhiêu tiền?

    Điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 162/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 3 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền với tàu biển có trang bị các trang thiết bị phòng chống cháy nổ nhưng không sử dụng được như sau:

    Vi phạm quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với tàu biển

    ...

    2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

    a) Không trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ theo quy định;

    b) Trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ không sử dụng được hoặc đã hết hạn kiểm định;

    c) Không có kế hoạch ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp;

    d) Trang thiết bị cứu hỏa không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động theo quy định;

    đ) Sử dụng phương tiện chuyên dùng chữa cháy vào mục đích khác;

    e) Chở chất dễ gây cháy, nổ cùng với hành khách.

    Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Nghị định 162/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định như sau:

    Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và nguyên tắc xử phạt

    ...

    2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Theo quy định nêu trên, tàu biển có trang bị các trang thiết bị phòng chống cháy nổ nhưng không sử dụng được bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.

    Trân trọng!

    25