Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại TPHCM quy định như thế nào?

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại TPHCM ra sao? Điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp là gì?

Nội dung chính

    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh?

    Theo Điều 1 Quyết định 72/2024/QĐ-UBND hạn mức không quy định đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất chăn nuôi tập trung, đất nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật đất đai.

    Cùng với đó  căn cứ theo Điều 2 Quyết định 72/2024/QĐ-UBND quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân trên địa bàn TPHCM và áp dụng đối với:

    - Cá nhân có nhu cầu nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

    - Các cơ quan nhà nước, các tổ chức có thẩm quyền thực hiện các thủ tục nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân.

    Cụ thể, tại Điều 4 Quyết định 72/2024/QĐ-UBND đã quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân như sau:

    (1) Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối của mỗi cá nhân để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp được quy định như sau:

    + Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối không quá 45 ha (bốn mươi lăm héc ta) đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.

    + Đất trồng cây lâu năm không quá 150 ha (một trăm năm mươi héc ta) đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.

    + Đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 450 ha (bốn trăm năm mươi héc ta) đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.

    (2) Trường hợp cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân đó được xác định theo từng loại đất tại mục (1)

    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh quy định như thế nào?Đất nông nghiệp (hình ảnh internet)

    Điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là gì?

    Tại Điều 45 và Điều 47 Luật Đất đai 2024 có quy định về điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp như sau:

    - Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa;

    - Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;

    - Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

    - Trong thời hạn sử dụng đất;

    - Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

    - Việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác.

    Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là đối tượng nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp như sau:

    Điều 3. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
    Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ các trường hợp sau đây:
    1. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
    2. Người hưởng lương hưu;
    3. Người nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
    4. Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

    Như vậy, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp mà có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ các trường hợp được quy định trên.

    20