Giải pháp bảo đảm kinh phí Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030?

Giải pháp bảo đảm kinh phí và giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030? Mong được giải đáp thắc mắc

Nội dung chính

    Giải pháp bảo đảm kinh phí theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

    Căn cứ Tiểu mục 7 Mục VI Điều 1 Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 quy định về giải pháp bảo đảm kinh phí theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

    a) Kinh phí thực hiện Chiến lược này bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược để phát triển kinh tế số và xã hội số.

    b) Ưu tiên kinh phí từ ngân sách để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, dự án thuộc Chiến lược này do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện. Phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới. Nghiên cứu rà soát sửa đổi bổ sung mục lục ngân sách riêng về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

    c) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chiến lược được giao cho các bộ, các cơ quan trung ương chủ trì và các hoạt động chỉ đạo, điều hành triển khai Chiến lược. Địa phương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Chiến lược được giao cho các địa phương chủ trì. Trong đó:

    - Nguồn kinh phí đầu tư chi để thực hiện các nhiệm vụ, dự án: đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin, nền tảng số, mua sắm phần cứng, phần mềm, công nghệ, trang thiết bị và xây dựng các cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số;

    - Nguồn kinh phí thường xuyên chi để thực hiện chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ: nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; điều tra, khảo sát, thống kê, đo lường, đánh giá chỉ số phát triển, ảnh hưởng tác động; thuê, mua sử dụng, thúc đẩy phát triển các nền tảng số; tạo lập, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ, sử dụng dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực số, kỹ năng số, công dân số, văn hóa số; hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp; thông tin, tuyên truyền; duy trì, vận hành các hệ thống thông tin, nền tảng số; các nhiệm vụ khác thuộc Chiến lược có tính chất chi thường xuyên. Khuyến khích, ưu tiên sử dụng nguồn chi thường xuyên thuê, mua sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, hệ thống thông tin thay vì đầu tư xây dựng.

    d) Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, đào tạo bố trí kinh phí từ ngân sách tự chủ của mình để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao thuộc Chiến lược. Các đơn vị có nguồn kinh phí được để lại theo quy định ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện Chiến lược phù hợp quy định của pháp luật.

    Giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

    Căn cứ Tiểu mục 8 Mục VI Điều 1 Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 quy định về giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

    a) Đánh giá tác động của phát triển kinh tế số, xã hội số ở quy mô quốc gia và từng địa phương; trong đó, trọng tâm là đánh giá ảnh hưởng của công nghệ đối với các ngành, nghề và triển vọng việc làm để đưa ra phương án chuyển đổi phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia và địa phương. Ưu tiên thực hiện chuyển đổi cho các đối tượng chịu nhiều tác động, có khả năng bị thay thế bởi máy móc nhất. Triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách và giảm tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số.

    b) Đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số; phát triển các Trung tâm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển trợ lý ảo để hỗ trợ người dân 24/7 mọi lúc, mọi nơi.

    c) Phát triển các ứng dụng, nền tảng số đơn giản, dễ sử dụng để hỗ trợ người dân tự kiểm soát được hoạt động và mức độ sử dụng công nghệ; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào tự động kiểm soát truy cập và chặn lọc các trang web, tài nguyên Internet độc hại hướng tới một không gian số an toàn, lành mạnh cho người dân.

    d) Hình thành các điểm thu gom sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông hư hỏng, hết hạn sử dụng, rác thải công nghệ, rác thải điện tử; đẩy mạnh áp dụng công nghệ xử lý phù hợp hướng tới một môi trường xanh và bảo vệ sức khỏe của người dân.

     

    17