Duyệt quy hoạch 1 2000 thành phố Thủ Đức TP Hồ Chí Minh?
Nội dung chính
Duyệt quy hoạch 1/2.000 thành phố Thủ Đức TP Hồ Chí Minh?
Ngày 21/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 theo Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025.
Theo quy hoạch 1/2.000 thành phố Thủ Đức sẽ phát triển với 9 phân vùng và 11 trọng điểm, mỗi khu vực có định hướng phát triển riêng dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Hạ tầng giao thông cũng là một điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch. Quy hoạch thành phố Thủ Đức dự kiến phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, kết nối chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng phần lớn nhu cầu di chuyển. Ngoài ra, thành phố cũng mở rộng nhiều tuyến đường liên vùng như Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Vành đai 3 – Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, giúp tăng cường tính liên kết khu vực.
Quy hoạch thành phố Thủ Đức còn tập trung vào việc nâng cao chất lượng sống cho cư dân với việc mở rộng diện tích đất giáo dục gấp 5 lần, y tế gấp 10 lần, công trình văn hóa - thể thao gấp 3 lần, cùng với đó là phát triển công viên cây xanh đạt 1.800 ha.
Duyệt quy hoạch 1/2.000 thành phố Thủ Đức TP Hồ Chí Minh? (Hình từ Internet)
Mục tiêu phát triển Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 có nội dung gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025 quy định như sau:
Điều 1. Phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 với những nội dung chính sau:
1. Phạm vi ranh giới, quy mô, thời hạn quy hoạch:
a) Phạm vi ranh giới, quy mô lập quy hoạch:
- Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch là ranh hành chính của thành phố Thủ Đức, 4 phía tiếp giáp với các đơn vị hành chính cấp huyện như sau:
+ Phía Đông giáp thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
+ Phía Tây giáp quận 4, quận 1, quận 12 và quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Phía Nam giáp quận 4, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
+ Phía Bắc giáp thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
- Quy mô lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thủ Đức với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.156,9 ha.
b) Thời hạn quy hoạch:
- Giai đoạn ngắn hạn: Đến năm 2030.
- Giai đoạn dài hạn: Đến năm 2040.
2. Mục tiêu phát triển:
- Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
- Có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với các khu vực trong Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ bằng các phương thức đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng; phát triển hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại I và loại đặc biệt, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng số, hạ tầng đô thị thông minh.
- Có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; tạo dựng cảnh quan đô thị hiện đại và sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hóa và đặc trưng đô thị sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
...
Như vậy,mục tiêu phát triển Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 gồm:
- Phát triển thành phố Thủ Đức thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, dẫn dắt kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, hướng tới trở thành trung tâm tài chính quốc gia và quốc tế.
- Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với TP Hồ Chí Minh và các đô thị trọng điểm bằng đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy; phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD) và hạ tầng số.
- Nâng cao chất lượng sống, phát triển đô thị hiện đại, sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hóa sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.