Đường nội bộ là đường trong phạm vi khu đô thị đúng không?
Nội dung chính
Đường nội bộ là đường trong phạm vi khu đô thị đúng không?
Căn cứ khoản 6 Điều 9 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:
Điều 9. Phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ
1. Đường chính là đường phục vụ giao thông chủ yếu trong khu vực, kết nối giao thông các khu vực, vùng.
2. Đường nhánh là đường nối vào đường chính, có chức năng kết nối giao thông các khu vực hai bên đường chính; kết nối giao thông từ đường gom vào đường chính thông qua nút giao.
3. Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính. Đường gom có thể là đường bên theo quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Đường bên là đường được xây dựng bên cạnh các đoạn đường chính để ngăn cách giao thông khu vực hai bên đường với đường chính. Đường bên được tách khỏi đường chính hoặc ngăn cách với đường chính bằng dải phân cách, tường bảo vệ, rào chắn.
5. Đường dành cho giao thông công cộng là đường phục vụ cho tất cả mọi người, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Đường nội bộ là đường trong phạm vi khu chung cư, đô thị, công nghiệp, kinh tế, thương mại - dịch vụ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và chỉ phục vụ các đối tượng được phép vào, ra bên trong phạm vi các khu vực quy định tại khoản này.
7. Đường dành riêng cho người đi bộ, người đi xe đạp và các đường khác.
Như vậy, đường nội bộ không chỉ nằm trong phạm vi khu đô thị, mà còn trong cả các khu vực khác như khu chung cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu thương mại - dịch vụ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
Đường nội bộ chỉ phục vụ đối tượng được phép ra vào bên trong phạm vi những khu vực này.
Đường nội bộ là đường trong phạm vi khu đô thị đúng không? (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị nào là hình thức phát triển nhà ở?
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 30 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Điều 30. Hình thức phát triển nhà ở
1. Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
a) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở độc lập hoặc 01 cụm công trình nhà ở;
b) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc 01 cụm công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp;
c) Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đồng bộ việc xây dựng nhà ở với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác phục vụ nhu cầu ở;
d) Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở;
đ) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở;
e) Dự án sử dụng đất kết hợp đa mục đích mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở.
2. Cá nhân phát triển nhà ở theo quy định tại Mục 5 Chương này.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở là hình thức phát triển nhà ở.
Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị nào là dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn?
Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022 quy định như sau:
Điều 31. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:
1. Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
b) Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;
c) Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;
d) Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;
đ) Dự án đầu tư chế biến dầu khí;
e) Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
g) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên;
g1) Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới;
h) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;
[...]
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc dân số từ 50.000 người trở lên được xem là dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.