Đường đôi là đường mà chiều đi và về được phân biệt thế nào?
Nội dung chính
Đường đôi là đường mà chiều đi và về được phân biệt thế nào?
Căn cứ Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT quy định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
[...]
3.10. Đường đôi là đường mà chiều đi và về được phân biệt bằng dải phân cách (trường hợp phân biệt bằng vạch sơn thì không phải đường đôi).
3.11. Đường thôn là đường trong khu vực thôn, đường trục nối thôn với khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn.
3.12. Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông đường bộ đi lại.
3.13. Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại.
3.14. Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại.
[...]
Như vậy, theo Báo hiệu đường bộ thì đường đôi là đường mà chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách.
Nếu chỉ phân biệt hai chiều bằng vạch sơn thì không được coi là đường đôi.
Đường đôi là đường mà chiều đi và về được phân biệt thế nào? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ ra sao?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT quy định các nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ bao gồm:
(1) Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu nạn được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai 2013, cụ thể:
- Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
- Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
- Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.
- Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.
(2) Khi thiên tai suy yếu hoặc sau khi thời tiết trở lại bình thường các tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ được giao phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục các thiệt hại xảy ra đối với công trình đường bộ để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
(3) Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong kế hoạch đề ra phải được đáp ứng về nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai và ứng cứu, khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
(4) Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các công trình giao thông, phương tiện hoạt động trên đường bộ; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT quy định như sau:
Điều 6. Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo
Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo phải bảo đảm các quy định sau:
1. Thiết kế, xây dựng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thoát lũ và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai.
2. Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai.
3. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch.
Như vậy, khi đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo công trình đường bộ, việc phòng ngừa thiên tai cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thiết kế và xây dựng phù hợp:
+ Bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu;
+ Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật;
+ Bảo đảm khả năng thoát lũ và yêu cầu phòng, chống thiên tai.
- Giảm rủi ro thiên tai:
+ Hạn chế tối đa hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai;
+ Bảo đảm tính ổn định của công trình trước các tình huống thiên tai.
- Tuân thủ pháp luật liên quan:
+ Pháp luật về bảo vệ môi trường;
+ Pháp luật về xây dựng;
+ Pháp luật về quy hoạch.