Được phép thỏa thuận về giá bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi?
Nội dung chính
Căn cứ xác định giá bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi quy định như thế nào?
Giá đất cụ thể được áp dụng cho các trường hợp sau đây theo khoản 1 Điều 160 Luật Đất đai 2024:
- Tính tiền sử dụng đất đối với tổ chức khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư trúng thầu hoặc tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập thực hiện dự án có sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất;
- Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, trừ trường hợp thông qua đấu giá quyền sử dụng đất;
- Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa;
- Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024;
- Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết; cho phép chuyển hình thức sử dụng đất;
- Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, việc xác định giá bồi thường đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất được tính dựa trên giá đất cụ thể.
Được phép thỏa thuận về giá bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền quyết định giá bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 160 Luật Đất đai 2024 thẩm quyền quyết định giá bồi thường đất như sau:
(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể để làm cơ sở bồi thường trong các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, bao gồm:
- Giao đất, cho thuê đất.
- Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Công nhận quyền sử dụng đất.
- Gia hạn hoặc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
- Điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết.
- Thu hồi đất.
- Xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
- Xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để làm cơ sở bồi thường trong các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp huyện, bao gồm:
- Giao đất, cho thuê đất.
- Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Công nhận quyền sử dụng đất.
- Gia hạn hoặc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
- Điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết.
- Thu hồi đất.
- Xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện sẽ quyết định giá đất cụ thể tương ứng với thẩm quyền của mình để làm căn cứ tính tiền bồi thường đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Có được phép thỏa thuận về giá bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Như vậy, người dân khi bị Nhà nước thu hồi đất có thể được bồi thường bằng đất, bằng tiền hoặc bằng nhà ở. Trong đó, nếu được bồi thường bằng tiền thì sẽ được bồi thường theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai 2024 nêu rõ, ngay sau khi hết thời hạn niêm yết công khai, tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi. Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản không tham gia họp trực tiếp có lý do chính đáng thì gửi ý kiến bằng văn bản.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại trong trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, người dân không có quyền thỏa thuận giá bồi thường đất. Cụ thể, giá bồi thường được xác định theo giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Người dân chỉ có quyền đóng góp ý kiến về phương án bồi thường nhưng không thể tự mình thỏa thuận giá bồi thường với cơ quan Nhà nước.