Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia là ai?
Nội dung chính
Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia là ai?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định về lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia như sau:
Điều 29. Lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia
1. Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch gồm Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch.
2. Nội dung dự thảo quy hoạch được lấy ý kiến trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch trong thời gian ít nhất 30 ngày tính từ ngày gửi hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.
3. Việc lấy ý kiến Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan về quy hoạch được thực hiện như sau:
a) Cơ quan lập quy hoạch gửi hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch bao gồm báo cáo quy hoạch, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, hệ thống sơ đồ, bản đồ thể hiện nội dung quy hoạch;
b) Các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch;
c) Cơ quan lập quy hoạch tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến trước khi trình thẩm định quy hoạch.
[....]
Như vậy, đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia gồm Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch.
Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia là ai? (Hình từ Internet)
Thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia là bao nhiêu tháng?
Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 37/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 58/2023/NĐ-CP quy định về thời gian lập quy hoạch như sau:
Điều 17. Thời hạn lập quy hoạch
1. Thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng không quá 36 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, trong đó thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 20 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng.
2. Thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
3. Trường hợp cần gia hạn thời gian lập quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch quyết định điều chỉnh kéo dài nhưng tối đa không quá 12 tháng trên cơ sở báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia là không quá 36 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.Trong đó thời hạn lập hợp phần quy hoạch được nâng từ không quá 18 tháng lên không quá 20 tháng.
Ngoài ra, trường hợp khi cần gia hạn thời gian lập quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch quyết định điều chỉnh kéo dài nhưng tối đa không quá 12 tháng trên cơ sở báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 22 Luật Quy hoạch 2017, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 quy định về quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
Theo đó, quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển; xu thế phát triển của khoa học, công nghệ; khu vực quân sự, an ninh cấp quốc gia; khu bảo tồn; khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích; khu vực hạn chế khai thác, sử dụng và khu vực khuyến khích phát triển theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Xác định các quan điểm và mục tiêu phát triển;
- Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển;
- Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội;
- Định hướng phát triển không gian biển;
- Định hướng sử dụng đất quốc gia;
- Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời;
- Định hướng phân vùng và liên kết vùng;
- Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia;
- Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia;
- Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia;
- Định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.