Đoạn đường chồng lấn, giao nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định thế nào?
Nội dung chính
Tại đoạn đường chồng lấn, giao nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 14 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:
Điều 14. Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ
[...]
3. Tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn; đối với các đường liền kề nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định từ mép của đường ngoài cùng trở ra.
4. Trường hợp phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với phạm vi đất dành cho đường sắt thì việc sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn công trình đường sắt.
5. Trường hợp phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với hành lang bảo vệ đê, việc sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến vận hành và an toàn công trình đê điều. Trường hợp phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, việc sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến vận hành và an toàn công trình thủy lợi; nếu bị ảnh hưởng thì người quản lý, sử dụng đường bộ, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý công trình thủy lợi phải có biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn công trình đường bộ, công trình thủy lợi và an toàn giao thông.
Như vậy, tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau thì phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn.
Ngoài ra, đối với các đường liền kề nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định từ mép của đường ngoài cùng trở ra.
Đoạn đường chồng lấn, giao nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định thế nào? (Hình từ Internet)
Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị được xác định theo nguyên tắc nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:
Điều 14. Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ
[...]
2. Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị được xác định theo nguyên tắc sau đây:
a) Đường đô thị đã có hè phố thì sử dụng một phần hè phố để thực hiện bảo vệ, bảo trì đường đô thị;
b) Trường hợp đường đô thị đi sát với tường bao nhà ở, tường bao công trình xây dựng khác, đường không có hè phố, đường nằm trong ngõ, ngách, kiệt, hẻm, đường nội bộ khu dân cư đô thị thì được sử dụng một phần mặt đường khi thực hiện bảo vệ, bảo trì đường đô thị;
c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được xác định tương tự đường ngoài đô thị;
d) Phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu, cống, rãnh, hố thu và các hạng mục công trình của đường đô thị được xác định theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Trường hợp cầu, cống, rãnh, hố thu và các hạng mục công trình của đường đô thị nằm liền kề với công trình xây dựng khác thì phần đất để bảo vệ, bảo trì là ranh giới của các công trình.
[...]
Theo đó, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị được xác định dựa trên các nguyên tắc bao gồm: đường có hè phố, một phần hè phố sẽ được sử dụng; nếu đường không có hè phố hoặc đi sát tường bao nhà ở, một phần mặt đường sẽ được sử dụng; trong các trường hợp khác, phần đất sẽ được xác định tương tự như đường ngoài đô thị.
Đối với cầu, cống và các hạng mục công trình khác, phần đất bảo vệ, bảo trì sẽ được xác định theo ranh giới của các công trình liền kề.
Nguồn tài chính và nguồn thu từ đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ từ đâu?
Căn cứ Điều 42 Luật Đường bộ 2024, nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:
(1) Nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ nộp ngân sách nhà nước bao gồm:
- Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô.
- Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.
- Nguồn thu của Nhà nước liên quan đến khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, nguồn thu từ khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
(3) Nguồn thu từ dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư, xây dựng đường bộ để kinh doanh; hợp đồng nhượng quyền kinh doanh - quản lý, khai thác đường bộ cao tốc là tài sản công được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và quy định khác của pháp luật có liên quan.