Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam được quy định ra sao?

Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam được quy định ra sao? Mong sớm nhận hồi đáp.

Nội dung chính

    Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam được quy định ra sao?

    Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam được quy định tại Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 62/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

    1. Việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong đó:

    a) Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

    b) Quy định đối với một số trường hợp cụ thể:

    - Đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định do Công ty thực hiện, quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả phương tiện vận tải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ), Công ty phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Đối với việc đầu tư, mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại (xe ô tô) phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo và phục vụ công tác chung, Công ty phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức mua sắm, sử dụng phục vụ công tác bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả theo quy định hiện hành.

    2. Khấu hao tài sản cố định: Công ty thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

    3. Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản:

    Công ty được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc sở hữu của Công ty theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật, trong đó thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản của doanh nghiệp để thế chấp, cầm cố vay vốn thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị định 91/2015/NĐ-CP) và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

    4. Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:

    a) Công ty được quyền chủ động và thực hiện thanh lý, nhượng bán, tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được trên nguyên tắc công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật;

    b) Thẩm quyền quyết định việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

    c) Phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:

    - DATC thực hiện việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trường hợp thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng, Tổng Giám đốc Công ty quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường. Trường hợp tài sản cố định không có giao dịch trên thị trường thì Công ty được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản theo các phương thức trên.

    - Trường hợp thanh lý, nhượng bán tài sản cố định gắn liền với đất phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

    d) Trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán tài sản cố định thực hiện theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    5. Công ty phải xây dựng Quy chế quản lý tài sản để xác định rõ trách nhiệm của từng khâu trong công tác quản lý; tổ chức hạch toán phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời; tổ chức kiểm kê, đối chiếu theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của chủ sở hữu; thực hiện đầu tư, quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

     

    11