Quy định việc đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội?
Nội dung chính
Quy định về việc đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội?
Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 18 Luật anh ninh mạng 2018 quy định về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật như sau:
1. Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm:
a) Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này;
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 17 Luật anh ninh mạng 2018 quy định về bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng như sau:
Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;
Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Như vậy, hành vi đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội là hành vi được pháp luật điều chỉnh, theo đó việc đăng tải đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác phải được bản thân người đó đồng ý, việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Xử phạt hành vi đăng tải hình ảnh cá nhân của người khác lên mạng?
Theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan , tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin bí mật đời tư cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
Bên cạnh đó, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định 2015 về Tội làm nhục người khác:
- Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt từ từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp trên, bạn có thể nộp đơn tố giác đến cơ quan điều tra (Công an quận, huyện) hoặc viện kiểm sát địa phương nơi mình cư trú, yêu cầu xử lí xóa hình ảnh nhạy cảm. Bên cạnh đó, bạn có thể đến trực tiếp cơ quan trên để tố giác về việc bị tung ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội.
Trân trọng!