Mạng xã hội trong nước phải có nhân sự trực 24/7 để giải quyết khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ?
Nội dung chính
Mạng xã hội trong nước phải có nhân sự trực 24/7 để giải quyết khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ?
Ngày 09/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Trong đó, căn cứ theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Nghị định 147/2024/NĐ-CP, mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin được thiết lập trên nền tảng trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng, cung cấp các dịch vụ, công cụ cho phép người sử dụng dịch vụ cung cấp, trao đổi, tương tác, chia sẻ thông tin với nhau.
Khoản 2 Điều 28 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định:
Điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước
...
2. Điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội:
a) Có Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội bảo đảm đầy đủ các nội dung được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định này; đăng tải Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng dịch vụ phải đồng ý Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội (bằng phương thức điện tử) thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tính năng của mạng xã hội;
b) Có nhân sự trực 24/7 để xử lý các vấn đề gồm: Tiếp nhận, xử lý và phản hồi các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam; giải quyết và phản hồi khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ Việt Nam;
c) Có giải pháp kiểm duyệt nội dung đăng tải trên mạng xã hội;
d) Có biện pháp bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ;
đ) Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng dịch vụ trong việc cho phép thu thập thông tin của mình hoặc cung cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;
e) Không sắp xếp nội dung đăng tải của người sử dụng theo các chuyên mục cố định; không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cả nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội. Đối với các cơ quan báo chí đăng tải nội dung trên mạng xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 6 Điều 24 Nghị định này;
g) Phân loại và hiển thị cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Căn cứ quy định trên, để đáp ứng điều kiện về quản lý nội dung, thông tin, mạng xã hội trong nước phải đảm bảo có nhân sự trực 24/7 để giải quyết khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ Việt Nam.
Mạng xã hội trong nước phải có nhân sự trực 24/7 để giải quyết khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ? (Hình từ Internet)
Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội như thế nào?
Khoản 1 Điều 31 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định:
Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội
Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội
1. Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội:
Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) sẽ gửi văn bản thông báo đến mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn (qua dịch vụ bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử) về việc nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.
Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn được tiếp tục cung cấp dịch vụ mạng xã hội hiện có, nhưng phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp Giấy phép theo Mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép một đoạn mã (thể hiện biểu tượng mạng xã hội đã được cấp phép) qua địa chỉ thư điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện gắn đoạn mã đã được cấp vào nội dung mô tả dịch vụ trên kho ứng dụng (nếu có) và trên mạng xã hội. Đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
...
Như vậy, quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội được thực hiện theo quy định trên.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/12/2024