Công chức địa chính xã có nhiệm vụ như thế nào?
Nội dung chính
Công chức địa chính xã có nhiệm vụ như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (sau đây gọi là công chức địa chính xã) có nhiệm vụ như sau:
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong các lĩnh vực về quản lý đất đai, địa giới đơn vị hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật;
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã xây dựng, triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã hoặc của cấp trên đã phê duyệt triển khai trên địa bàn xã;
- Thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, bảo quản hồ sơ và xây dựng các báo cáo liên quan đến thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân xã về đất đai, địa giới đơn vị hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã;
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; lập sổ địa chính đối với chủ sử dụng đất hợp pháp; hướng dẫn thủ tục thẩm tra để xác nhận tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký đất đai, thực hiện các quyền công dân liên quan tới đất đai trên địa bàn xã; phối hợp với công chức khác thực hiện các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra để xác minh nguồn gốc, hiện trạng đăng ký và sử dụng đất đai, tình trạng tranh chấp đất đai và biến động về đất đai trên địa bàn;
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã xây dựng các hồ sơ về việc cấp phép cải tạo, xây dựng các công trình, nhà ở trên địa bàn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định hoặc trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định; công tác xây dựng, giám sát về kỹ thuật trong việc xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương;
- Phụ trách các công việc thuộc lĩnh vực đất đai, địa giới đơn vị hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp, nông thôn tại trung tâm giao dịch hành chính một cửa, một cửa liên thông theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã;
-Thực hiện những nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và quy định của pháp luật có liên quan.
Công chức địa chính xã có nhiệm vụ như thế nào? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn của công chức địa chính xã như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, công chức địa chính xã phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
(1) Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;
(2) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;
(3) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Lưu ý:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức địa chính xã làm việc tại các xã thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
+ Căn cứ tiêu chuẩn của chức danh công chức địa chính xã nêu trên và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể của chức danh công chức địa chính xã cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng xã nhưng phải bảo đảm không thấp hơn tiêu chuẩn tại (1), (2), (3) nêu trên.
Cách xếp lương đối với công chức địa chính xã như thế nào?
Cách xếp lương đối với công chức địa chính xã thực hiện theo Điều 13 Nghị định 33/2023/NĐ-CP như sau:
- Công chức địa chính xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.
- Trường hợp trong thời gian công tác, công chức địa chính xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.
- Trường hợp người được bầu làm cán bộ cấp xã, được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức địa chính xã theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP mà đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương (trừ thời gian tập sự, thử việc), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục thì được cộng dồn.