Có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi metro số 1?
Nội dung chính
Có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi metro số 1?
Vừa qua, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) đã có thông báo về việc hướng dẫn hành khách đi metro số 1 giai đoạn miễn phí giá vé từ ngày 22/12/2024 đến ngày 20/01/2025.
Theo đó, Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã chính thức vận hành và phục vụ hành khách từ ngày 22/12/2024. Nhằm phục vụ công tác thống kê sản lượng hành khách trong giai đoạn miễn phí vé từ ngày 22/12/2024 đến 20/01/2025 theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, HURC1 thông báo dự kiến từ ngày 02/01/2025 sẽ triển khai hệ thống kiểm soát ra vào.
Cụ thể, hành khách có thể sử dụng mã QR code trên ứng dụng HCMC Metro HURC. Để sử dụng, người dùng chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại và tạo mã QR code để đi tàu.
Ngoài ra, từ ngày 22/12/2024 đến 09/01/2025, khách hàng sở hữu thẻ Mastercard có thể sử dụng thẻ này để trải nghiệm miễn phí dịch vụ của tuyến metro số 1 mà không cần đăng ký. Hành khách chỉ cần quét thẻ tại các cổng ra vào có gắn thiết bị đọc thẻ. Những khách hàng chưa có thẻ Mastercard có thể mang theo căn cước công dân, căn cước gắn chip hoặc ứng dụng VNEID để được hỗ trợ mở thẻ trực tiếp tại các nhà ga.
Từ ngày 10/01/2025, các loại thẻ khác như Visa, JCB, American Express, Union Pay và Napas cũng sẽ được chấp nhận để quét thẻ miễn phí tại các cổng ra vào. Thời gian áp dụng có thể sớm hơn tùy vào tiến độ phối hợp với các tổ chức thẻ.
Bắt đầu từ ngày 20/01/2025, hành khách có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc căn cước công dân thông thường để quét tại các cổng vào ra được trang bị thiết bị đọc thẻ.
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi và các đối tượng khác, nhân viên tại nhà ga sẽ hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo mọi hành khách có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ.
Trong giai đoạn đầu vận hành miễn phí, HURC1 sẽ bố trí nhân viên và cộng tác viên tại các nhà ga để hỗ trợ tối đa, giúp hành khách trải nghiệm dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện.
Có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi metro số 1? (Hình từ Internet)
Metro số 1 có phải là phương tiện giao thông công cộng không?
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2012/TT-BGTVT quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện giao thông công cộng gồm: xe buýt, ô tô chở khách tuyến cố định, tàu bay chở khách, tàu hỏa chở khách (gồm cả phương tiện đường sắt đô thị), tàu thủy chở khách, phà chở khách.
...
Căn cứ quy định này, metro số 1 được xem là phương tiện giao thông công cộng.
Nhà nước có chính sách gì về phát triển đường sắt?
Điều 5 Luật Đường sắt 2017 quy định:
Chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt
1. Ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.
2. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt.
3. Dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt.
4. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại.
5. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng.
6. Ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch.
Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
Như vậy, nhà nước có những chính sách nêu trên về phát triển đường sắt.