Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được phân thành bao nhiêu cấp quản lý?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được phân thành bao nhiêu cấp quản lý?

Nội dung chính

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được phân thành bao nhiêu cấp quản lý?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 52 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024 được phân cấp quản lý gồm:

    (1) Cơ sở dữ liệu do trung ương quản lý: Cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương xây dựng và cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đồng bộ, tích hợp lên trung ương;

    (2) Cơ sở dữ liệu do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý: Cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương xây dựng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024 cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm các thành phần sau đây:

    - Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;

    - Cơ sở dữ liệu địa chính;

    - Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;

    - Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

    - Cơ sở dữ liệu giá đất;

    - Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai;

    - Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai;

    - Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.

    Như vậy, những cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trên đây được phân thành 02 cấp quản lý gồm trung ương quản lý và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được phân thành bao nhiêu cấp quản lý?

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được phân thành bao nhiêu cấp quản lý? (Hình từ Internet)

    Việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 5 Điều 166 Luật Đất đai 2024 quy định việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được thực hiện như sau:

    - Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp;

    - Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

    - Người sử dụng đất được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;

    - Tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại điểm b và điểm c khoản khoản 5 Điều 166 Luật Đất đai 2024 có nhu cầu khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật;

    - Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu về đất đai theo quy định của pháp luật.

    + Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phản hồi, cung cấp, bổ sung thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;

    - Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải trả phí khai thác, sử dụng tài liệu đất đai và giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về đất đai theo quy định;

    - Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật về giá.

    Kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 54 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai như sau:

    (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được đồng bộ, cập nhật về Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    (2) Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện thông qua các dịch vụ trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Tài nguyên và môi trường, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được quy định về Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số và các nền tảng chia sẻ khác theo quy định của pháp luật.

    - Các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định về kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khác.

    (3) Cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    - Đáp ứng tiêu chuẩn kết nối và tuân thủ các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về trao đổi dữ liệu, quy định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

    - Đáp ứng các quy định về an toàn, bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu và quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân.

    (4) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện quản lý, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    (5) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thực hiện việc quản lý, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với các cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành ở địa phương theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    30