Có mấy loại hình cơ sở lưu trú du lịch? Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cần điều kiện gì?
Nội dung chính
Có mấy loại hình cơ sở lưu trú du lịch?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về phân loại cơ sở lưu trú du lịch quy định như sau:
Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch
1. Khách sạn: Cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.
a) Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
b) Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
c) Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
d) Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
2. Biệt thự du lịch: Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
3. Căn hộ du lịch: Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
4. Tàu thủy lưu trú du lịch: Phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
5. Nhà nghỉ du lịch: Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.
6. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.
7. Bãi cắm trại du lịch: Khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.
Như vậy, theo quy định trên có 7 loại hình kinh cơ sở lưu trú du lịch cơ bản là khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch. Trong đó khách sạn phân cấp thành 4 loại nhỏ là khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.
Mỗi loại hình cơ sở lưu trú đều có các yêu cầu về điều kiện kinh doanh khác nhau. Khi chọn dịch vụ lưu trú, khách hàng cần hiểu rõ về loại hình và tên gọi của cơ sở để có tiêu chí đánh giá chính xác và phù hợp. Do đó, ngoài việc nắm vững khái niệm cơ sở lưu trú cũng nên biết về các loại hình này cung cấp dịch vụ du lịch ra sao để đưa ra quyết định đúng đắn, đảm bảo phù hợp với nhu cầu cá nhân và mục đích chuyến đi.
Có mấy loại hình cơ sở lưu trú du lịch? Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cần điều kiện gì? (Hình từ internet)
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cần điều kiện gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch 2017 về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định như sau:
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:
a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch các tổ chức và cá nhân cần đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản về dịch vụ du lịch theo quy định trên bao gồm việc đăng ký kinh doanh hợp pháp, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ khách.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 53 Luật Du lịch 2017 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có quyền sau đây:
a) Từ chối tiếp nhận khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch hoặc khi cơ sở lưu trú du lịch không còn khả năng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch;
b) Hủy bỏ hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật này;
b) Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;
c) Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;
đ) Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;
e) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có quyền từ chối hoặc hủy bỏ hợp đồng với khách du lịch khi khách có hành vi vi phạm pháp luật hoặc nội quy của cơ sở. Điều này đảm bảo quyền lợi của các đơn vị kinh doanh và giữ gìn trật tự, an ninh trong cơ sở lưu trú. Bên canh đó, việc thực hiện quyền này cũng cần dựa trên các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp lý trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đồng thời, tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phải tuân thủ các nghĩa vụ quan trọng như duy trì các điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, niêm yết công khai giá cả và nội quy và bồi thường thiệt hại cho khách du lịch nếu có. Họ cũng phải thông báo cho cơ quan chức năng khi có sự thay đổi thông tin và chỉ sử dụng các tiêu chí xếp hạng đã được công nhận trong quảng cáo. Việc thực hiện đúng các nghĩa vụ này không chỉ đảm bảo tuân thủ pháp luật mà còn nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ lưu trú.