Có được xây nhà trên đất trồng lúa không? Làm thế nào để có thể xây nhà trên đất trồng lúa?

Chuyên viên pháp lý Sằn Ửng Moi
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Có được xây nhà trên đất trồng lúa không? Làm sao để xây nhà trên đất trồng lúa?

Nội dung chính

    Có được xây nhà trên đất trồng lúa không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024 về nguyên tắc sử dụng đất pháp luật có quy định việc sử dụng đất phải đúng mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định những nghĩa vụ của người sử dụng đất:

    Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
    1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, người sử dụng đất là phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Pháp luật hiện hành không cho phép xây nhà trên đất trồng lúa.

    Làm sao để xây nhà trên đất trồng lúa?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 121 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Chuyển mục đích sử dụng đất
    1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
    a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
    b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
    c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
    d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
    đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
    e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
    g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.

    2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

    3. Việc chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài phù hợp quy định của pháp luật đã chuyển sang sử dụng vào mục đích khác mà nay có nhu cầu chuyển lại thành đất ở và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
    4. Việc chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 124 của Luật này.

    Như vậy, trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất thổ cư phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận và phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật. Người sử dụng đất không được tự ý xây nhà trên đất trồng lúa mà phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư, và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

    Có được xây nhà trên đất trồng lúa không? Làm sao để xây nhà trên đất trồng lúa? (Hình từ Internet)

    Mức xử phạt hành chính khi xây nhà trên đất trồng lúa là bao nhiêu?

    Việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3,4,5 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

    Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai
    ….
    3. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
    h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
    4. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.
    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
    b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
    c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

    Như vậy, việc xây nhà trên đất trồng lúa là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính. Đối với hành vi xây nhà trên đất trồng lúa tại khu vực nông thôn thì mức phạt là từ 3.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, nếu vi phạm tại khu vực đô thị thì mức phạt có thể lên đến 500.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm sẽ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

    Lưu ý: Mức xử phạt tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức thì mức xử phạt bằng 02 lần cá nhân.

    Mức xử phạt tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức.

    78
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ