Xây nhà trên đất trồng lúa có bị phá dỡ không?
Nội dung chính
Đất trồng lúa là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, đất trồng lúa được định nghĩa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Trong đó:
- Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;
- Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024, đất trồng lúa là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Xây nhà trên đất trồng lúa có bị phá dỡ không? (Hình từ Internet)
Xây nhà trên đất trồng lúa có bị phá dỡ không?
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024, việc sử dụng đất phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng mục đích. Điều này có nghĩa là đất trồng lúa chỉ được phép sử dụng để trồng lúa, nếu người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang đất ở mà không được phép, hành vi này bị xem là vi phạm pháp luật.
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 20 đến 200 triệu đồng tùy theo diện tích đất vi phạm, nếu thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì bị phạt từ 40 đến 400 triệu đồng tùy theo diện tích đất vi phạm. Lưu ý mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, khi có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất, đồng nghĩa việc tháo dỡ nhà ở đã xây dựng trên đất trồng lúa và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (khoản 5 Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt là sử dụng đất trồng lúa không đúng mục đích trước ngày 01/07/2014 nhưng đang sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch cấp huyện, quy hoạch chung, phân khu, xây dựng hoặc nông thôn, thì người sử dụng đất có thể được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà không bị yêu cầu phá dỡ công trình đã xây dựng sai mục đích theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024.
Thêm vào đó, điểm d khoản 1 Điều 136 Luật Nhà ở 2023 cũng quy định rằng nhà ở xây dựng trên đất không phải là đất ở như đất trồng lúa, nếu không phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ thuộc trường hợp phải phá dỡ.
Như vậy, việc xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn phải chịu hậu quả nghiêm trọng như phá dỡ công trình nhà ở đã xây, trừ trường hợp sử dụng đất sai mục đích nhưng sử dụng ổn định trước 01/07/2014, phù hợp với quy hoạch hiện hành thì có thể được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) mà không cần phá dỡ công trình.
Muốn xây nhà trên đất trồng lúa phải thực hiện thủ tục gì?
Tại khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2024, chuyển mục đích sử dụng đất là việc người sử dụng đất được thay đổi từ mục đích sử dụng đất này sang mục đích sử dụng đất khác theo quy định của Luật này.
Ở nội dung phân tích trước đó, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng với mục đích sử dụng được ghi trên Giấy chứng nhận. Trường hợp muốn xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa thì sẽ bắt buộc phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024, muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở thì cần phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích theo quy định của pháp luật.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp này được thực hiện như sau:
Bước 1: Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định người xin chuyển mục đích sử dụng đất làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 02c tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP nộp cho Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Bước 2: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai giao Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai, lập trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì hướng dẫn người sử dụng đất làm lại hồ sơ hoặc bổ sung hồ sơ và nộp lại cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.
Bước 3: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Bước 4: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Bước 5: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai chuyển thông tin địa chính thửa đất theo Mẫu số 04h tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP cho cơ quan thuế.
Cơ quan thuế xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định, ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gửi cho người sử dụng đất.
Bước 6: Người sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Bước 7: Cơ quan thuế xác nhận hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và gửi thông báo kết quả cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cấp có thẩm quyền ký cấp Giấy chứng nhận và thực hiện chuyển hồ sơ đến tổ chức đăng ký đất đai hoặc chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Bước 8: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.