Có được thực hiện việc ủy quyền lại bằng lời nói không? Ủy quyền lại không cần sự đồng ý của bên ủy quyền?

Không được thực hiện việc ủy quyền lại bằng lời nói? Ủy quyền lại không cần sự đồng ý của bên ủy quyền? Thời hạn ủy quyền chỉ có hiệu lực trong 01 năm?

Nội dung chính

    Có được thực hiện việc ủy quyền lại bằng lời nói không? 

    Dạ, hôm kia tôi có ủy quyền cho nhân viên đi đóng thuế. Hợp đồng ủy quyền bằng văn bản nhưng nhân viên đó bận việc nên muốn ủy quyền lại cho người khác, tôi cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, việc ủy quyền lại đó lại bằng lời nói. Do đó, tôi muốn biết thêm về nguyên tắc như vậy có phù hợp không?

    Trả lời:

    Căn cứ Khoản 3 Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

    a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

    b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

    2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

    3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

    Như vậy, về nguyên tắc việc lập hợp đồng ủy quyền bằng lời nói như trên là không phù hợp mà hợp đồng ủy quyền lại phải được lập bằng văn bản vì hợp đồng ủy quyền ban đầu được lập theo hình thức này.

    Có được thực hiện việc ủy quyền lại bằng lời nói không? (Hình ảnh Internet)

    Ủy quyền lại không cần sự đồng ý của bên ủy quyền

    Pháp luật dân sự có quy định trường hợp nào ủy quyền lại mà không cần sự đồng ý của bên ủy quyền hay không? Hay bắt buộc phải có sự đồng ý của bên ủy quyền?

    Trả lời:

    Căn cứ Khoản 1 Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

    - Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

    - Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

    Như vậy trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được thì không cần phải có sự đồng ý của bên ủy quyền.

    Thời hạn ủy quyền chỉ có hiệu lực trong 01 năm?

    Do tôi đi làm xa, nên tôi muốn ủy quyền lại cho bố tôi bảo quản, sử dụng chiếc xe ô tô của tôi đang để ở quê. Tôi có thể làm giấy ủy quyền trong vòng 02 năm hay không? Hay chỉ giấy ủy quyền chỉ có hiệu lực 01 năm thôi?

    Trả lời:

    Theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hạn ủy quyền như sau:

    Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

    Như vậy, căn cứ quy định trên thì thời hạn ủy quyền sẽ do bạn tự thỏa thuận với bố bạn, trường hợp nếu bạn và bạn không thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền có hiệu từ 01 năm kể từ ngày xác lập ủy quyền. Nên bạn muốn ủy quyền cho bố bạn bảo quản, sử dụng xe trong thời hạn 02 năm là được phép nếu bố bạn đồng ý.

    1