Có bắt buộc phá dỡ nhà ở xây dựng trên đất không phải đất ở không?
Nội dung chính
Có bắt buộc phá dỡ nhà ở xây dựng trên đất không phải đất ở không?
Căn cứ khoản 1 Điều 136 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ
1. Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ bao gồm:
a) Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;
b) Nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này;
c) Nhà ở thuộc trường hợp phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt;
đ) Trường hợp phá dỡ nhà ở khác theo quy định của pháp luật về xây dựng ngoài trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
2. Việc phá dỡ nhà ở quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.
Như vậy, theo quy định thì phải phá dỡ nhà ở được xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt
Có bắt buộc phá dỡ nhà ở xây dựng trên đất không phải đất ở không? (Hình từ Internet)
Ai có trách nhiệm phá dỡ công trình xây dựng?
Căn cứ khoản 2 Điều 42 Nghị định 06/2021/NĐ-CP về phá dỡ công trình xây dựng quy định như sau:
Phá dỡ công trình xây dựng
...
2. Trách nhiệm phá dỡ công trình xây dựng:
a) Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện phá dỡ công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc phá dỡ công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan; quyết định cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện phá dỡ công trình trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc phá dỡ công trình xây dựng;
c) Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
d) Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc phá dỡ và cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;
đ) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thẩm quyền phá dỡ công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
...
Theo đó, trách nhiệm trong việc phá dỡ công trình xây dựng thuộc về:
- Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình: Có trách nhiệm tổ chức phá dỡ công trình theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định pháp luật liên quan.
- Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan quản lý nhà nước:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc huyện, hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chịu trách nhiệm quyết định việc phá dỡ công trình theo quy định pháp luật.
+ Có quyền ra quyết định cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý không tự nguyện thực hiện.
- Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Cơ quan này có quyền ra quyết định buộc phá dỡ công trình hoặc phần công trình vi phạm nhằm khắc phục hậu quả theo quy định về xử lý vi phạm hành chính.
- Trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền trong việc phá dỡ và cưỡng chế phá dỡ nhà ở: Thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, các cơ quan này có quyền ra quyết định phá dỡ và cưỡng chế phá dỡ khi cần thiết.
- Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thẩm quyền quy định việc phá dỡ các công trình nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh.
Ai được tự quyết định trong quá trình thực hiện phá dỡ khẩn cấp công trình?
Căn cứ khoản 4 Điều 42 Nghị định 06/2021/NĐ-CP về phá dỡ công trình xây dựng quy định như sau:
Phá dỡ công trình xây dựng
...
4. Người được giao quản lý, thực hiện phá dỡ khẩn cấp công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong quá trình tổ chức thực hiện phá dỡ khẩn cấp công trình bảo đảm tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
5. Đối với việc phá dỡ công trình xây dựng là tài sản công, ngoài việc thực hiện theo quy định của Nghị định này còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, người được giao quản lý, thực hiện phá dỡ khẩn cấp công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong quá trình tổ chức thực hiện phá dỡ khẩn cấp công trình bảo đảm tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.