Chồng chết vợ có được toàn quyền bán mảnh đất đứng tên hai vợ chồng không?
Nội dung chính
Chồng chết vợ có được toàn quyền bán đất đứng tên hai vợ chồng không?
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…
Theo đó, mảnh đất đứng tên hai vợ chồng là tài sản chung của hai vợ chồng.
Đồng thời, tại Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Nếu mảnh đất đứng tên hai vợ chồng, thì đây được coi là tài sản chung hợp nhất, cả hai có quyền ngang nhau đối với việc sở hữu, sử dụng, định đoạt.
Như vậy, theo quy định trên thì hai vợ chồng đều có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung vợ chồng. Khi người chồng mất đi thì một nửa giá trị tài sản chung của vợ chồng là của người vợ và một nửa còn lại của người chồng sẽ trở thành di sản thừa kế. (khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Nếu người chồng mất đi mà không để lại di chúc thì di sản của người chồng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
-Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế sau mới được hưởng thừa kế.
Như vậy, ngoài người vợ có phần định đoạt mảnh đất đứng tên chung hai vợ chồng này thì những người đồng thừa kế khác (nếu có) cũng có một phần quyền trong mảnh đất đó. Người vợ không thể tự mình bán toàn bộ mảnh đất có phần di sản của chồng.
Tóm lại, người vợ không tự mình toàn quyền bán mảnh đất đứng tên chung hai vợ chồng khi phần di sản của người chồng chưa được giải quyết hoặc không có sự đồng ý của các đồng thừa kế.
Chồng chết vợ có được toàn quyền bán đất đứng tên hai vợ chồng không? (Hình từ Internet)
Sau khi chia thừa kế theo pháp luật thửa đất không đủ diện tích tách thửa giải quyết ra sao?
Khi nhận thừa kế đất nhưng không đủ diện tích tách thửa, người thừa kế có thể xem xét các phương án xử lý sau:
Phương án 1: Cho những người đồng thừa kế cùng đứng tên trên sổ đỏ.
Theo khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trao cho người đại diện.
Đây là phương án phổ biến khi thửa đất thừa kế không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất sẽ phải thông qua thỏa thuận chung giữa các đồng sở hữu, dễ dẫn đến tranh chấp trong trường hợp các bên không thống nhất được khi muốn chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp.
Phương án 2: Các đồng thừa kế thỏa thuận để lại phần đất thừa kế cho một người hoặc một số người. Những người nhận đất sẽ chi trả giá trị tương ứng phần thừa kế của những người khác bằng tiền hoặc tài sản khác. Đây là cách thức được nhiều người lựa chọn để tránh ràng buộc và tranh chấp sau này. Tuy nhiên, phương án này cũng đòi hỏi khả năng tài chính của người nhận đất để chi trả phần tiền cho các đồng thừa kế khác. (khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015)
Phương án 3: Bán tài sản thừa kế cho một người khác và các người đồng thừa kế chia tiền bằng nhau. Giải quyết dứt điểm các quyền lợi liên quan đến tài sản, không gây tranh chấp lâu dài. (khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015)
Việc lựa chọn phương án nào tùy thuộc vào điều kiện thực tế, sự đồng thuận giữa các đồng thừa kế và các quy định pháp luật về tách thửa tại địa phương. Đồng sở hữu là phương án phổ biến nhất khi không thể tách thửa, tuy nhiên thỏa thuận cho một người nhận đất hoặc bán đất để chia tiền thường là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tranh chấp và ràng buộc pháp lý trong tương lai.
Tách thửa đất sau khi chia thừa kế thửa đất ở cần những điều kiện gì?
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất như sau:
(1) Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;Điều này đảm bảo rằng thửa đất không có tranh chấp về quyền sở hữu và việc tách thửa được thực hiện trên cơ sở của quyền sử dụng đất đã được xác nhận, tránh tình trạng phân chia các thửa đất không hợp pháp
(2) Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;
(3) Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất;
(4) Việc tách thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
(5) Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;
(6) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;
(7) Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.