Cho con trai tiền mua căn hộ sau khi kết hôn, có đòi lại được không?
Nội dung chính
Cho con trai tiền mua căn hộ sau khi kết hôn thì căn hộ được xác định tài sản chung hay tài sản riêng?
Trường hợp 1: Áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận
Căn cứ theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định hai vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, sự thỏa thuận này được lập thành văn bản trước khi kết hôn và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Văn bản thỏa thuận này phải được công chứng, chứng thực quy định các nội dung sau: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.
Như đã phân tích ở trên, khi áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, việc xác định tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng không phụ thuộc vào nguồn gốc của tài sản, mà hoàn toàn dựa vào các điều khoản và nội dung thỏa thuận mà hai vợ chồng đã thống nhất trước đó. Trong chế độ này, các bên có quyền tự do quyết định cách thức phân chia tài sản, bao gồm cả việc tài sản nào sẽ là chung, tài sản nào sẽ là riêng, và cách thức xử lý tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc ly hôn. Điều này có nghĩa là dù tài sản có được hình thành từ thu nhập cá nhân của một bên hay được tạo ra trong thời gian hôn nhân, nếu hai vợ chồng đã thỏa thuận khác, thì tài sản đó sẽ được phân loại theo thỏa thuận thay vì theo nguyên tắc về nguồn gốc tài sản.
Dựa trên quy định trên, nếu hai vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, thì việc xác định căn hộ là tài sản chung hay tài sản riêng sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của hai vợ chồng. Dù mẹ chồng cho con trai tiền, nhưng trong thỏa thuận tài sản hai vợ chồng xác định căn hộ là tài sản chung, thì căn hộ vẫn sẽ là tài sản chung. Ngược lại, nếu trong thỏa thuận xác định căn hộ là tài sản riêng thì sẽ là tài sản riêng.
Trường hợp 2: Áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu.
(1) Mẹ chồng chỉ cho vợ/chồng:
Tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng như sau:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
- Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của riêng mình bằng cách nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Tài sản mà mẹ chồng cho vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định là tài sản riêng của người nhận, vì đây là tài sản được tặng cho riêng. Theo đó, căn nhà được mua từ số tiền này bản chất cũng là tài sản riêng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình, bao gồm quyền quyết định việc nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Vì vậy, việc tài sản riêng có trở thành tài sản chung hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai vợ chồng.
(2) Mẹ chồng cho cả hai vợ chồng:
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong thời kỳ hôn nhân tài sản chung vợ chồng bao gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra;
- Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trừ trường hợp chia tài sản chung trong hôn nhân;
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Dựa trên các quy định vừa nêu, số tiền mà mẹ chồng tặng cho vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng. Điều này được xác định bởi vì tài sản do vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm cả tài sản được tặng cho. Cho nên ên căn hộ này được mua từ số tiền mà mẹ chồng cho cũng không được coi là tài sản riêng của một bên mà là tài sản chung. Do đó, số tiền mua căn hộ cũng như quyền sở hữu căn hộ sẽ được xác định là tài sản chung, phải được quản lý và sử dụng chung bởi cả hai vợ chồng, trừ khi có thỏa thuận khác.
Lưu ý: Nếu không có để căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Cho con trai tiền mua căn hộ sau khi kết hôn, có đòi lại được không? (Hình từ Internet)
Cho con trai tiền mua căn hộ sau khi kết hôn, có đòi lại được không?
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, "tiền" được xem là tài sản và được xác định là động sản theo Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, việc tặng cho tiền được coi là tặng cho tài sản.
Bên cạnh đó, theo Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Đối với hợp đồng tặng cho tài sản là tiền thì không bắt buộc phải đi công chứng hợp đồng nên thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ lúc bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 nếu bên tặng cho yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho thì đây được xem là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Theo đó:
- Nếu phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
- Nếu phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Từ những quy định trên có thể thấy, việc mẹ chồng cho vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng tiền để mua căn hộ tuy không thành lập hợp đồng có công chứng, chứng thực nhưng đây vẫn được xem là hợp đồng tặng cho tài sản. Bên cạnh đó, nếu mẹ chồng cho vợ/chồng hoặc cả 2 vợ chồng với những nghĩa vụ sau khi nhận tặng cho thì mẹ chồng có thể đòi lại nếu vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết trước đó.
Ngoài ra, nếu hợp đồng tặng cho bị tuyên vô hiệu khi không đủ các điều kiện tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, các điều kiện để hợp đồng tặng cho có hiệu lực hợp pháp bao gồm:
- Các bên tham gia giao dịch phải có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với loại giao dịch dân sự mà họ thực hiện;
- Các bên phải tham gia giao dịch một cách tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không hợp pháp;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự phải không vi phạm các quy định của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.
Từ đó, có thể thấy có hai trường hợp mẹ chồng có quyền đòi lại số tiền đã cho vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng, khi mà họ không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết khi được cho tiền hoặc việc tặng cho này không đảm bảo về mặt pháp lý để nó có hiệu lực.
Cho con trai tiền mua căn hộ, khi bán có cần sự đồng ý của mẹ chồng không?
Như đã phân tích ở trên, việc mẹ chồng tặng tiền cho vợ chồng con trai để mua căn hộ được xem là một hợp đồng tặng cho tài sản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng tặng cho tiền có hiệu lực kể từ thời điểm bên nhận nhận được tiền. Tại thời điểm này, số tiện mà vợ chồng nhận được là tài sản chung của họ. Do đó, căn hộ mua bằng tiền mẹ chồng cho sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc sử dụng và định đoạt tài sản chung phải dựa trên sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng. Mặc dù mẹ chồng là người cho tiền để mua căn hộ, nhưng bà không phải là chủ sở hữu hay đồng sở hữu căn hộ này. Vợ chồng mới là chủ sở hữu cho nên quyền quyết định về việc chuyển nhượng, tặng cho hay bất kỳ giao dịch nào liên quan đến căn hộ này thuộc quyền quyết định của vợ chồng con trai, không cần sự đồng ý của người mẹ.