Chế tài xử lý cho hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư là gì?

Chế tài xử lý cho hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư là gì? Hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và chế tài xử lý?

Nội dung chính

    Hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và chế tài xử lý?

    Căn cứ Điều 7 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và chế tài xử lý như sau:

    (1) Hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

    - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Đăng ký hoạt động hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động không đúng thời hạn với cơ quan có thẩm quyền;

    + Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài;

    + Thông báo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tạm ngừng, tiếp tục hoạt động, tự chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề;

    + Thông báo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập, tạm ngừng, tiếp tục hoạt động hoặc tự chấm dứt hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

    + Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thuê luật sư nước ngoài;

    + Báo cáo không đúng thời hạn, không đầy đủ hoặc không chính xác về tình hình tổ chức, hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;

    + Công bố không đúng nội dung, thời hạn, số lần, hình thức theo quy định đối với nội dung đăng ký hoạt động, nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;

    + Đăng báo không đúng thời hạn hoặc số lần về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

    + Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không đầy đủ cho luật sư thuộc tổ chức mình;

    + Không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài;

    + Không thông báo, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tạm ngừng hoạt động, tự chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề;

    + Không thông báo, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc tạm ngừng, tiếp tục hoạt động hoặc tự chấm dứt hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

    + Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thuê luật sư nước ngoài;

    + Không báo cáo về tổ chức, hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;

    + Không công bố nội dung đăng ký hoạt động hoặc nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;

    + Không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động;

    + Không đăng báo, thông báo về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

    + Phân công 01 luật sư hướng dẫn quá 03 người tập sự hành nghề luật sư tại cùng một thời điểm;

    + Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động;

    + Nhận người không đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư vào tập sự hành nghề tại tổ chức mình; không nhận người tập sự hành nghề luật sư theo phân công của Đoàn luật sư mà không có lý do chính đáng;

    + Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình;

    + Không cử đúng người làm việc hoặc không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác, chậm trễ thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

    - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài hoặc chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

    + Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

    + Cho người không phải là luật sư của tổ chức mình hành nghề luật sư dưới danh nghĩa của tổ chức mình;

    + Hoạt động không đúng lĩnh vực hành nghề hoặc không đúng trụ sở đã ghi trong giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, giấy phép thành lập hoặc giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

    + Không cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư;

    + Hoạt động khi tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không bảo đảm có 02 luật sư nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục 12 tháng, kể cả trưởng chi nhánh, giám đốc công ty luật nước ngoài;

    + Cho tổ chức khác sử dụng giấy đăng ký hoạt động, giấy phép thành lập để hoạt động hành nghề luật sư;

    + Hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản thiếu một trong các nội dung theo quy định.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

    + Sử dụng giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư khác hoặc giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài khác tại Việt Nam để hoạt động hành nghề luật sư;

    + Cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư;

    + Thay đổi nội dung hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư khi chưa được cấp lại giấy đăng ký hoạt động; thay đổi nội dung giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền;

    + Hoạt động không đúng phạm vi hành nghề của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản;

    + Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ, việc;

    + Hoạt động khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động.

    - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Không đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền;

    +Hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động với danh nghĩa tổ chức hành nghề luật sư hoặc treo biển hiệu là tổ chức hành nghề luật sư mà không phải là tổ chức hành nghề luật sư.

    - Hình thức xử phạt bổ sung:

    + Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và g khoản 3, điểm đ khoản 4, các điểm a và b khoản 5 Điều này;

    + Tịch thu tang vật là giấy phép, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này;

    + Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và d khoản 3, các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

    Chế tài xử lý cho hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư là gì? (Hình Internet)

    Hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và chế tài xử lý?

    Căn cứ Điều 8 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư như sau:

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo không đúng thời hạn, không đầy đủ, không chính xác với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về đề án tổ chức đại hội hoặc kết quả đại hội;

    + Không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư;

    + Tổ chức lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư không đúng quy định; không báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư; không gửi để đăng tải hoặc không đăng tải kế hoạch bồi dưỡng hằng năm và chương trình bồi dưỡng;

    + Không phân công tổ chức hành nghề luật sư nhận người tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật.

    - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Không phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc không trực tiếp cử luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng;

    + Đăng ký tập sự hành nghề luật sư, đăng ký gia nhập Đoàn luật sư trái quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư;

    + Không đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư không đúng quy định của pháp luật;

    + Không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư không đúng thời hạn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

    + Cho người không đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; cấp giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư cho người không đủ điều kiện;

    + Gian dối trong việc xác nhận, cấp giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

    + Quyết định miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ cho người không đủ điều kiện.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ, e và g khoản 3 Điều này.

    15