Cán bộ công chức có được nhận đất lúa không? Điều kiện nhận chuyển nhượng đất lúa theo Luật Đất đai 2024 là gì?
Nội dung chính
Đất lúa là đất gì?
Đất lúa còn có tên gọi khác là đất trồng lúa, theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì đất trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Căn cứ khoản 1 Điều 182 Luật Đất đai 2024, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, được gọi là đất chuyên trồng lúa nếu như trồng từ 02 vụ lúa trở lên.
Cán bộ công chức có được nhận đất lúa không?
Khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Phân loại đất
...
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
Theo đó, đất lúa hay còn gọi là đất trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Căn cứ Điều 3 Luật Đất đai 2024 về cá nhân trục tiếp sản xuất nông nghiệp quy định như sau:
Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ các trường hợp sau đây:
1. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
2. Người hưởng lương hưu;
3. Người nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
4. Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Như vậy, đối với cán bộ công chức được xếp vào trường hợp không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên căn cứ vào khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
...
8. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau:
a) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
c) Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nói chung hay cán bộ công chức hoàn toàn được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa (nhận đất lúa). Vì vậy, cán bộ công chức được quyền nhận đất lúa theo pháp luật hiện hành.
Cán bộ công chức có được nhận đất lúa không? Điều kiện nhận
chuyển nhượng đất lúa theo Luật Đất đai 2024 là gì? (Hình từ internet)
Điều kiện nhận chuyển nhượng đất lúa theo Luật Đất đai 2024 là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, thì chỉ được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, cụ thể là đất trồng lúa hay còn gọi là đất lúa khi đã đáp ứng đủ những điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo khoản 6 và khoản 7 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
...
6. Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất;
b) Kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;
c) Vốn đầu tư;
d) Thời hạn sử dụng đất;
đ) Tiến độ sử dụng đất.
7. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6 Điều này và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
...
Như vậy, trong trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long và 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì phải thành lập tổ chức kinh tế.
Khi thành lập tổ chức kinh tế cá nhân phải đồng thời làm phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải có các nội dung chính sau đây:
- Địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất;
- Kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;
- Vốn đầu tư;
- Thời hạn sử dụng đất;
- Tiến độ sử dụng đất.