Cách ghi thông tin người sử dụng đất trong sổ đỏ, sổ hồng chi tiết 2024

Hướng dẫn cách ghi chi tiết thông tin về người sử dụng đất trong sổ đỏ, sổ hồng. Người sử dụng đất có quyền chung gì? Người sử dụng đất có nghĩa vụ chung gì?

Nội dung chính

    Hướng dẫn cách ghi thông tin về người sử dụng đất trong sổ đỏ, sổ hồng chi tiết 2024

    Căn cứ Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được quy định chi tiết như sau:

    (1) Đối với cá nhân sử dụng đất

    Trường hợp không thuộc vợ và chồng có chung tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thể hiện các thông tin: “Ông” hoặc “Bà”, họ và tên, quốc tịch, tên và số giấy tờ nhân thân.

    Trường hợp cá nhân nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thể hiện các thông tin: “Ông” hoặc “Bà”, họ và tên, quốc tịch, tên và số giấy tờ nhân thân.

    (2) Đối với nhà đất là tài sản chung của vợ và chồng

    - Thể hiện các thông tin: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân của vợ hoặc chồng và thể hiện: “và chồng (hoặc vợ):... (thể hiện thông tin của chồng (hoặc vợ))”.

    - Trường hợp có thoả thuận của vợ và chồng đồng ý ghi tên vợ hoặc tên chồng là đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận thì thể hiện: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân, tiếp theo thể hiện: “là đại diện cho vợ và chồng”

    (3) Đối với tổ chức

    - Thể hiện tên của tổ chức theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT và thông tin giấy tờ pháp nhân của tổ chức theo quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT cụ thể như sau:

    + Đối với tổ chức trong nước thì thể hiện thông tin: Tên giấy tờ; số và ngày tháng năm cấp giấy tờ, cơ quan cấp giấy tờ về việc thành lập, công nhận/đăng ký kinh doanh của tổ chức làm cơ sở xác định tên gọi của tổ chức đó.

    + Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài, thể hiện: Tên giấy tờ (giấy phép đầu tư/giấy đăng ký kinh doanh/một trong các loại giấy tờ khác thể hiện pháp nhân); số, ngày ký và cơ quan ký giấy tờ.

    + Đối với tổ chức nước ngoài có chức năng về ngoại giao, thể hiện: Tên văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao đất/cho thuê đất/thành lập, cho phép hoạt động của tổ chức/văn bản đã ký giữa hai Chính phú; số, ngày ký và cơ quan ký giấy tờ.

    + Đối với tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam, thể hiện: Tên giấy tờ (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy tờ do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động ở Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm giao kết giao dịch về nhà ở); số, ngày ký và cơ quan ký giấy tờ.

    + Đối với các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, thể hiện: Thông tin về giấy tờ đăng ký hoạt động/giấy tờ của cơ quan thẩm quyền về công nhận tổ chức tôn giáo, tôn giáo trực thuộc.

    (4) Đối với cộng đồng dân cư

    - Đối với cộng đồng dân cư thì thể hiện tên gọi của cộng đồng dân cư.

    (5) Đối với nhóm người sử dụng đất

    - Có 02 trường hợp nhóm người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất mà Giấy chứng nhận được cấp đối với từng người như sau:

    + Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cấp cho từng thành viên:

    Thể hiện trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

    Sau đó ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) với người khác”.

    Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    + Trường hợp chỉ cấp 01 Giấy chứng nhận cho người đại diện:

    Giấy chứng nhận sẽ ghi thông tin của người đại diện theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

    Dòng tiếp theo ghi: “là đại diện cho những người cùng sử dụng đất” hoặc “là đại diện cho những người cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

    Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    (6) Đối với hộ gia đình sử dụng đất

    - Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đang sử dụng đất thì ghi đầy đủ thông tin của các thành viên theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

    - Trường hợp không ghi được hết thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin một hoặc một số thành viên. Tiếp theo ghi “và các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất của hộ được thể hiện tại mã QR”.

    - Trường hợp các thành viên có thoả thuận ghi tên đại diện trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, tiếp theo ghi “là đại diện cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình”.

    - Tại mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất.

    (7) Đối với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà không có quyền sử dụng đất

    - Thể hiện thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận theo nội dung khoản 7 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT trừ trường hợp hộ gia đình sử dụng đất.

    (8) Đối với người được thừa kế mà chưa phân chia thừa kế cho từng người

    - Trường hợp có nhiều người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa phân chia thừa kế cho từng người và Giấy chứng nhận được cấp cho từng người thừa kế thì:

    + Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin của người được cấp Giấy chứng nhận theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

    + Sau đó ghi tiếp “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) với người được thừa kế khác”.

    + Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người thừa kế.

    - Trường hợp những người thừa kế cấp 1 Giấy chứng nhận cho người đại diện:

    + Trên Giấy chứng nhận sẽ ghi thông tin của người đại diện theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

    + Dòng tiếp theo ghi “là đại diện cho những người được thừa kế”.

    + Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người thừa kế.

    Như vậy, thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong sổ đỏ, sổ hồng được quy định cụ thể với 08 trường hợp trên.

    Hướng dẫn cách ghi thông tin về người sử dụng đất trong sổ đỏ, sổ hồng chi tiết 2024

    Hướng dẫn cách ghi thông tin về người sử dụng đất trong sổ đỏ, sổ hồng chi tiết 2024 (Hình từ Internet)

    Người sử dụng đất có quyền chung gì?

    Căn cứ theo Điều 26 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất có những quyền chung của như sau:

    - Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    - Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp.

    - Hưởng các lợi ích khi Nhà nước đầu tư để bảo vệ, cải tạo và phát triển đất nông nghiệp.

    - Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, phục hồi đất nông nghiệp.

    - Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

    - Được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

    - Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

    Như vậy, quyền chung của người sử dụng đất được quy định như trên.

    Người sử dụng đất có nghĩa vụ chung gì?

    Căn cứ theo Điều 31 Luật Đất đai2024 quy định người sử dụng đất phải đảm bảo những nghĩa vụ chung cụ thể sau:

    - Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    - Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

    - Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.

    - Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

    - Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định cụ thể như trên.

    15