Các khoản thu phí, quỹ được quy định như thế nào hiện nay theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Nội dung chính
Các khoản thu phí, quỹ được quy định như thế nào hiện nay theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Sự khác nhau giữa phí và quỹ
Theo quy định pháp luật phí, lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh. Như vậy, phí mang tính hoàn trả trực tiếp, người nộp phí được cung cấp 1 loại dịch vụ có quy định thu phí thì phải nộp phí (phí công chứng, phí qua đò...).
Đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh thì HĐND cấp tỉnh phải ban hành Nghị quyết, trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định và được thông báo công khai tại nơi thu phí.
Quỹ được hình thành từ khoản tiền đóng góp tự nguyện của người nộp để sử dụng cho mục đích nhất định. Người nộp có thể được hưởng lợi ích từ Quỹ và có thể không, ví dụ, quỹ khuyến học sử dụng cho mục đích khuyến khích học sinh học giỏi, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Các khoản huy động phải tự nguyện, không giao chỉ tiêu
Trả lời câu hỏi về tình hình thu phí, quỹ tại địa phương hiện nay, Bộ Tài chính cho biết, sau 5 năm triển khai Chỉ thị 24/2007/CT-TTg, đến nay các địa phương đã thực hiện miễn một số loại phí, lệ phí theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; bãi bỏ các loại phí và lệ phí không có trong danh mục phí, lệ phí hoặc ban hành không đúng thẩm quyền.
Các địa phương đã thực hiện bãi bỏ 25 khoản huy động đóng góp đối với nhân dân, nhiều địa phương đã thực hiện bãi bỏ toàn bộ các khoản đóng góp do cấp xã quy định…
Đối với các khoản huy động đều thực hiện theo phương thức tự nguyện, không giao chỉ tiêu huy động từ cấp trên cho cấp dưới. Đối với các khoản huy động đóng góp để thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đều thực hiện theo phương thức tổ chức họp dân lấy ý kiến về chủ trương xây dựng, mức đóng góp của từng hộ dân theo khả năng; trên cơ sở được nhân dân nhất trí mới thực hiện việc huy động đóng góp và triển khai thực hiện đầu tư.
Việc thực hiện huy động đóng góp và quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân đều được thực hiện công khai, dân chủ; các nội dung chi từ nguồn huy động đóng góp của nhân dân được công bố công khai cho nhân dân biết và giám sát.
Tuy nhiên, qua nắm tình hình, theo Bộ Tài chính, vẫn còn một số địa phương thực hiện việc huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Huy động còn chưa thực sự mang tính tự nguyện, huy động còn cao so với khả năng dẫn đến cấp cơ sở phân bổ mức thu theo hộ dân.
Để tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 24/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, rà soát các quy định về việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; đảm bảo việc huy động phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện.
Các cơ quan nhà nước không được ban hành văn bản yêu cầu nhân dân đóng góp mà không mang tính tự nguyện; không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng; thực hiện bãi bỏ ngay các văn bản quy định việc huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định; có biện pháp xử lý kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện huy động đóng góp của nhân dân.