Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn từ ngày 01/7/2025

Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn từ ngày 01/7/2025? Quy hoạch đô thị và nông thôn có phải bảo đảm tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt không?

Nội dung chính

    Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn từ ngày 01/7/2025

    Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn từ ngày 01/7/2025 được căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 như sau:

    Điều 3. Hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn
    1. Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
    2. Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:
    a) Quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn, đô thị mới;
    b) Quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã;
    c) Quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng;
    d) Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương;
    đ) Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc trung ương.
    3. Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
    4. Quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới, huyện, xã và khu chức năng là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia được xác định trong quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương.
    5. Quy hoạch phân khu được lập cho các trường hợp sau đây:
    a) Khu vực theo yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định trong đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại I, đô thị loại II;
    b) Khu chức năng không phải là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, có quy mô diện tích, yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định;
    c) Khu vực cần phải lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
    [...]

    Theo đó, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn từ ngày 01/7/2025 bao gồm:

    (1) Quy hoạch chung;

    (2) Quy hoạch phân khu;

    (3) Quy hoạch chi tiết.

    Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn từ ngày 01/7/2025

    Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)

    Quy hoạch đô thị và nông thôn có phải bảo đảm tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt không?

    Theo quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn như sau:

    Điều 6. Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn
    1. Cụ thể hóa, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi lập quy hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
    2. Dự báo chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật bảo đảm cơ sở khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị, nông thôn, khu chức năng; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai; đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, thông minh, hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng ngừa hiểm họa, ảnh hưởng đến cộng đồng.
    3. Bảo đảm phát triển đô thị có tính đến định hướng giao thông công cộng, khai thác hiệu quả quỹ đất để thực hiện xây dựng khu vực đầu mối giao thông công cộng kết hợp với việc phát triển mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị.
    4. Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và không gian ngầm; phát triển hài hòa giữa đô thị, nông thôn và khu chức năng; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa khu vực phát triển mới và khu vực hiện hữu; giữ gìn, phát huy bản sắc; bảo tồn, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, giá trị các công trình kiến trúc đặc trưng của từng địa phương.
    5. Đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà ở xã hội và hệ thống công trình hạ tầng xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận của người dân.
    6. Đáp ứng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm sự kết nối đồng bộ, thống nhất giữa các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài khu vực quy hoạch.
    7. Bảo đảm tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp đối với khu vực hiện trạng, khu dân cư hiện hữu hợp pháp, đã ổn định.
    [...]

    Theo đó, quy hoạch đô thị và nông thôn phải đảm bảo các yêu cầu được quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024.

    Trong đó, có yêu cầu quy hoạch đô thị và nông thôn có phải bảo đảm tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp đối với khu vực hiện trạng, khu dân cư hiện hữu hợp pháp, đã ổn định.

    Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    saved-content
    unsaved-content
    28