Các bước thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã mới nhất hiện nay là gì?
Nội dung chính
Các bước thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã mới nhất hiện nay là gì?
Tại Phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BTP năm 2023, hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn 2023 được tiến hành theo 2 bước như sau:
Bước 1: Đăng ký kết hôn bao gồm việc nộp hồ sơ theo 2 cách:
- Nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã nơi cư trú của 01 trong 02 bên đăng ký kết hôn.
- Nộp trực tuyến thông qua truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn),hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (https://dichvucong.---.gov.vn).
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Sau khi hồ sơ được nộp, cán bộ tại UBND cấp xã sẽ tiếp nhận và thực hiện các bước sau:
Trường hợp 1: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ tại UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp người đăng ký kết hôn không bổ sung hồ sơ thì Trưởng bộ phận một cửa thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn.
Trường hợp 2: Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, có Phiếu hẹn và trả kết quả cho người đăng ký kết hôn.
Lưu ý: Đối với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ gửi lại một biểu mẫu Giấy chứng nhận kết hôn điện tử với thông tin đầy đủ cho người yêu cầu qua thư điện tử hoặc thiết bị số.
Thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã mới nhất hiện nay? (Hình từ Internet)
Điều kiện kết hôn giữa nam và nữ hiện nay là gì?
Tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về điều kiện kết hôn giữa nam và nữ, cụ thể:
Thứ nhất, về độ tuổi, Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
Thứ ba, Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
Thứ tư, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn, cụ thể:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì ai có quyền nuôi con?
Tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con và con đối với cha mẹ như sau:
Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Như vậy, theo quy định, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, dù có đăng ký kết hôn hay không.