Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND quận phường tại một số địa bàn?
Nội dung chính
Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND quận phường tại một số địa bàn?
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã đề xuất không tổ chức Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp quận, phường nhằm giảm đầu mối trung gian, tiết kiệm ngân sách và đảm bảo sự thông suốt trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính.
Đề xuất này được nêu trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ.
Theo Bộ Nội vụ, tại các khu vực đô thị như quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã của thành phố thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, không cần thiết tổ chức HĐND. Những đơn vị hành chính này chỉ cần tổ chức Ủy ban Nhân dân (UBND), hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính và trực thuộc UBND cấp trên. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND sẽ do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.
Ngược lại, đối với khu vực nông thôn, bao gồm tỉnh, huyện, xã, thị trấn (ngoại trừ xã thuộc thành phố thuộc tỉnh và xã thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức đầy đủ cấp chính quyền địa phương, gồm cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Bộ Nội vụ nhận định rằng việc tổ chức chính quyền địa phương hiện nay bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành chưa thực sự phù hợp với đặc thù của địa bàn đô thị, dẫn đến việc Quốc hội phải ban hành các nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị cho Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Một điểm chung trong các nghị quyết này là đều quy định không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Trên phạm vi cả nước, phần lớn các đơn vị hành chính vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ, gồm cả HĐND và UBND. Điều này khiến bộ máy chính quyền địa phương các cấp cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa đáp ứng được mục tiêu tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trong khi đó, việc tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực; bộ máy tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, giảm đầu mối, cấp trung gian, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Việc không tổ chức HĐND ở một số cấp đảm bảo các chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và cấp dưới được thông suốt, hoạt động hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Nhằm đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cũng đề xuất nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn. UBND sẽ hoạt động theo chế độ tập thể, kết hợp với trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND và từng thành viên. Ngoài ra, dự thảo Luật hướng đến mở rộng thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND; bổ sung quy định về việc giao phụ trách, điều hành hoạt động của UBND.
Tải về: Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) (Dự thảo ngày 09/01/2025).
Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND quận phường tại một số địa bàn? (Hình từ Internet)
Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính được sắp xếp như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính được tổ chức như sau:
(1) Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
(2) Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.
(3) Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.