Bố lập di chúc để lại căn nhà cho con với điều kiện nhận chăm sóc mẹ được không?

Bố mất di chúc để lại căn nhà cho con trai, với điều kiện phải nhận nuôi, chăm sóc mẹ khi bố mất. Nhưng sau khi bố mất người con trai này không nhận nuôi mẹ mà để bà lại cho người em gái nuôi dưỡng, vậy có tước quyền thừa kế căn nhà của người con trai không?

Nội dung chính

    Bố mất di chúc để lại căn nhà cho con với điều kiện nhận chăm sóc mẹ được không?

    Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc chính là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

    Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 thì người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế và quyết định truất quyền hưởng di sản của một số người thừa kế. Bên cạnh đó, họ có quyền phân chia tài sản cho từng người thừa kế theo ý muốn của mình, cũng như dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng hoặc sử dụng cho mục đích thờ cúng. Ngoài ra, người lập di chúc còn có quyền giao các nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế, đồng thời chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản và người có trách nhiệm phân chia di sản theo đúng nguyện vọng của mình.

    Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 nội dung di chúc cần có những thông tin cơ bản sau: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên của người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và địa điểm lưu giữ di sản. Bên cạnh các thông tin này, di chúc còn có thể bao gồm những nội dung khác tùy theo ý muốn của người lập di chúc.

    Thêm vào đó, di chúc được coi là hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật. (Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015)

    Có thể nhận thấy rằng, pháp luật không cấm việc di chúc đi kèm với các điều kiện mà người lập di chúc yêu cầu. Chỉ cần di chúc đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý để di chúc hợp pháp, người lập di chúc có thể thêm những điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, các điều kiện này phải tuân thủ quy định của pháp luật, không vi phạm các điều cấm và không trái với đạo đức xã hội.

    Từ những quy định trên, có thể thấy rằng việc người bố lập di chúc để lại căn nhà cho người con trai với điều kiện phải nhận chăm sóc cho người mẹ sau khi ông mất là hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như đạo đức xã hội. Điều kiện này không vi phạm các quy định cấm của pháp luật, đồng thời cũng không trái với những giá trị đạo đức chung của xã hội. Thực tế, việc chăm sóc cha mẹ già là nghĩa vụ và trách nhiệm của con cái, vì vậy yêu cầu này không chỉ hợp pháp mà còn thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với những giá trị nhân văn.

    Bố lập di chúc để lại căn nhà cho con với điều kiện nhận chăm sóc mẹ được không?

    Bố lập di chúc để lại căn nhà cho con với điều kiện nhận chăm sóc mẹ được không? (Hình từ Internet)

    Di chúc để lại căn nhà cho con với điều kiện nhận chăm sóc mẹ nhưng con không thực hiện thì có bị tước quyền thừa kế theo di chúc không?

    Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc, tương tự khi người bố để lại di chúc cho người con với điều kiện là nhận chăm sóc mẹ thể hiện ý chí chuyển căn nhà cho người người con đi kèm cùng điều kiện chăm sóc mẹ. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với quyền của người lập di chúc khi giao nghĩa vụ cho người thừa kế theo khoản 4 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015.

    Nếu như người con không đồng ý thực hiện nghĩa vụ này, đồng nghĩa việc không đáp ứng điều kiện được nêu trong di chúc để được hưởng thừa kế. Như vậy, nếu di chúc đã nêu rõ là người con phải nhận chăm sóc mẹ khi bố mất thì mới được thừa kế căn nhà, nếu không thực hiện đúng thì không được thừa kế.

    Căn nhà lúc này sẽ được chia theo pháp luật theo khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 nếu như di chúc không nêu rõ hơn về trường hợp người con trai không thực hiện nghĩa vụ thì căn nhà sẽ được xử lý như thế nào.

    Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

    Tuy người con trai này không thực hiện điều điện được quy định trong nội dung của di chúc trước đó nhưng đây không phải là một trong những trường hợp không được quyền hưởng di sản quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

    Do đó, mặc dù người con trai mất quyền thừa kế đối với căn nhà đã được chỉ định trong nội dung di chúc do không thực hiện đúng nghĩa vụ, nhưng điều này không làm mất đi quyền thừa kế của người con trai theo pháp luật.

    Như vậy, từ những phân tích ở trên, người con trai không thực hiện nghĩa vụ nhận chăm sóc mẹ thì sẽ không được thừa kế căn nhà một mình. Lúc này căn nhà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, người con trai, người mẹ và những người khác cùng hàng thừa kế thứ nhất sẽ được chia căn nhà này, người con trai chỉ được thừa kế một phần căn nhà.

    Con cái không nhận chăm sóc mẹ khi bố mất thì có thể bị xử lý thế nào?

    Theo khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 con cái có nghĩa vụ yêu quý, kính trọng, biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, đồng thời giữ gìn danh dự và truyền thống tốt đẹp của gia đình.

    Như vậy, con cái có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mà không phụ thuộc và di chúc có yêu cầu hay không, đó là nghĩa vụ của mọi người mà không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào.

    Theo Điều 53, Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định việc bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật,… thì sẽ bị phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Hoặc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Buộc xin lỗi khi có yêu cầu, thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định.

    Như vậy, con cái không chăm sóc, phụng dưỡng mẹ khi bố mất có thể bị xử phạt hành chính theo như quy định vừa nêu. Trường hợp không nuôi dưỡng, chăm sóc nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 185, 186 Bộ luật Hình sự 2015, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ hoặc tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

    Nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ không chỉ là một trách nhiệm đạo đức mà còn là nghĩa vụ pháp lý của con cái, được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành.

    Việc không thực hiện nghĩa vụ này là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

    12