Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có giá trị pháp lý không?
Nội dung chính
Bản sao là gì?
Theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, bản sao được quy định là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
Sổ gốc theo quy định là sổ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra khi thực hiện việc cấp bản chính theo quy định của pháp luật, trong đó có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính mà cơ quan, tổ chức đó đã cấp.
Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm các loại gì?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định bản sao các loại Giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) bao gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Như vậy, bản sao cái loại Giấy chứng nhận bao gồm 06 Giấy chứng nhận theo quy định trên.
Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có giá trị pháp lý không? (Hình ảnh từ Internet)
Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có giá trị pháp lý không?
Căn cứ theo Điều 18 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về bản sao Giấy chứng nhận về đất đai như sau:
- Bản sao Giấy chứng nhận được sao hoặc được quét từ bản gốc Giấy chứng nhận trước khi trao cho người sử dụng đất.
- Đối với hồ sơ địa chính được lập trước ngày 01/8/2024 mà chưa quét được bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp thì quét bản lưu Giấy chứng nhận đã cấp trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoặc quét bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, bao gồm:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản màu trắng) được cơ quan có thẩm quyền ký để lưu theo quy định tại Quyết định 24/2004/QĐ-BTNMT và Quyết định 08/2006/QĐ-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (bản màu xanh) được cơ quan có thẩm quyền ký để lưu theo quy định tại Nghị định 60/CP năm 1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được sao để lưu theo quy định tại Thông tư 17/2009/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do người sử dụng đất nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động;
+ Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Căn cứ Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính như sau:
(1) Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(2) Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, bản sao Giấy Chứng nhận có hiệu lực có giá trị như bản chính trong các trường hợp trên.