Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Ban quản trị không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Ban quản trị không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? Quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư về việc thu, chi gồm nội dung gì?

Nội dung chính

    Ban quản trị không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức phạt hành chính đối với hành vi không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định như sau:

    Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với ban quản trị nhà chung cư
    ...
    2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định;
    b) Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung;
    c) Tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư;
    d) Không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định;
    đ) Thực hiện sai quy chế hoạt động hoặc quy chế thu chi tài chính đã được hội nghị nhà chung cư thông qua;
    e) Không lập tài khoản để nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của cả tòa chung cư theo quy định;
    g) Không thông báo công khai trên bảng tin của nhà chung cư về các khoản chi từ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định;
    h) Không lập kế hoạch bảo trì hằng năm hoặc lập kế hoạch bảo trì hằng năm không đầy đủ nội dung theo quy định.

    Như vậy, nếu không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định thì ban quản trị nhà chung cư sẽ bị phạt hành chính từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

    Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về hình thức xử phạt và mức phạt đối với cá nhân và tổ chức như sau:

    Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
    ...
    2. Hình thức xử phạt bổ sung:
    ...
    c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

    Như vậy, vì ban quản trị nhà chung cư là tổ chức nên mức phạt tiền tối đa bằng mức khung hình phạt, tức mức phạt hành chính sẽ từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

    Ban quản trị không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Ban quản trị không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư về việc thu, chi gồm các nội dung gì?

    Quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư về việc thu, chi được quy định tại khoản 2 Điều 24 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:

    - Mô hình hoạt động: Nếu nhà chung cư có một chủ sở hữu, Ban quản trị hoạt động theo mô hình tự quản. Nếu có nhiều chủ sở hữu, hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị như công ty cổ phần hoặc hợp tác xã. Ban quản trị cần phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan trong quản lý và sử dụng nhà chung cư.

    - Tổ chức họp: Quy định về người triệu tập, điều kiện họp, người chủ trì, nội dung biên bản, cách biểu quyết và quyết định các vấn đề thuộc quyền hạn của Ban quản trị. Cũng cần xác định cách thức làm việc của Ban quản trị.

    - Quyền và trách nhiệm: Ban quản trị và từng thành viên có trách nhiệm ký văn bản, chuẩn bị hồ sơ mời đơn vị quản lý, giám sát bảo trì, ký hợp đồng và quản lý con dấu (nếu có). Ngoài ra, cần nêu rõ quyền cung cấp thông tin giữa các thành viên, chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước.

    - Tiếp nhận kiến nghị: Ban quản trị có trách nhiệm tiếp nhận và phản hồi ý kiến của chủ sở hữu, xử lý các trường hợp liên quan đến miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm thành viên, và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có vi phạm.

    - Cơ chế báo cáo: Quy định cách báo cáo và quyết định các khoản chi. Cần chỉ định người quản lý hồ sơ hoạt động của Ban quản trị.

    - Xử lý miễn nhiệm: Quy định cách xử lý khi thành viên hoặc Ban quản trị bị miễn nhiệm mà chưa bầu thay thế.

    - Kinh phí hoạt động: Cần nêu rõ về kinh phí hoạt động của Ban quản trị và các nội dung khác phù hợp với đặc điểm của từng tòa nhà hoặc cụm nhà chung cư.

    Khi nào sẽ quyết định miễn nhiệm thành viên Ban quản trị nhà chung cư?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về các trường hợp quyết định miễn nhiệm thành viên Ban quản trị nhà chung cư như sau:

    - Thành viên Ban quản trị thôi tham gia Ban quản trị hoặc xin miễn nhiệm

    - Thành viên Ban quản trị không còn trực tiếp cư trú tại nhà chung cư đó

    - Trưởng ban quản trị của tòa nhà chung cư tách khỏi cụm nhà chung cư trong trường hợp tòa nhà chung cư tách khỏi cụm và đại diện của nó đang là Trưởng ban quản trị cụm, sau khi Ban quản trị tòa nhà được thành lập, Ban quản trị cụm phải tổ chức họp bất thường để bầu Trưởng ban quản trị mới theo quy định.

    - Thành viên Ban quản trị của tòa nhà nhập vào cụm nhà chung cư trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 27 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:

    + Nếu các tòa nhà đã có Ban quản trị hoạt động độc lập và đủ điều kiện thành lập cụm, các Ban quản trị này phải họp để thống nhất thành lập Ban quản trị cụm. Biên bản họp cần ghi rõ phương án nhập, chuyển giao hồ sơ và kinh phí. Nếu có ít nhất 50% đại diện chủ sở hữu đồng ý, các Ban quản trị sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị cụm lần đầu theo quy định.

    + Nếu tòa nhà có Ban quản trị độc lập muốn nhập vào Ban quản trị cụm đã thành lập, hai bên cần họp và lập biên bản thống nhất. Sau đó, cần lấy ý kiến của các chủ sở hữu. Nếu có ít nhất 50% đồng ý từ cả hai bên, Ban quản trị tòa nhà phải tổ chức họp để cử đại diện tham gia Ban quản trị cụm.

    + Số lượng và thành phần đại diện từ tòa nhà vào Ban quản trị cụm sẽ tương tự như các tòa nhà khác. Thủ tục công nhận Ban quản trị cụm được thực hiện theo quy định.

    4