Ban chỉ đạo để chỉ đạo, tổ chức việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp gồm có ai?
Nội dung chính
Ban chỉ đạo để chỉ đạo, tổ chức việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp gồm có ai?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Rà soát, xác định ranh giới, diện tích sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo, tổ chức việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp quy định tại Điều 181 Luật Đất đai.
Thành phần Ban chỉ đạo bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Trưởng ban, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất là thành viên.
Theo quy định trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo để đảm bảo việc quản lý và sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp đúng quy định tại Điều 181 Luật Đất đai 2024.
Thành phần Ban chỉ đạo gồm:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban;
- Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh;
- Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất là thành viên.
Ban chỉ đạo này đóng vai trò quan trọng trong việc rà soát, xác định ranh giới và tổ chức quản lý hiệu quả diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Ban chỉ đạo để chỉ đạo, tổ chức việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp gồm có ai? Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm gì đối với đất của các công ty nông, lâm nghiệp? (Hình từ Internet)
Ủy ban nhân dân có trách nhiệm gì đối với đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng?
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai 2024, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức rà soát hiện trạng sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất mà có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất; diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao, giao khoán, khoán trắng, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp;
- Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương, bao gồm: xác định diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục sử dụng; diện tích đất bàn giao về địa phương để giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này và để phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật;
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với phần diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục sử dụng theo phương án đã được phê duyệt;
- Tổ chức việc thu hồi đất để giao Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để quản lý phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương không thuộc điểm c khoản này;
- Căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của địa phương và tình hình sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để tiếp tục rà soát, thu hồi phần diện tích đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê, cho mượn, giao khoán hoặc khoán trắng cho người khác sử dụng trái pháp luật để quản lý theo quy định của pháp luật, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 16 của Luật này và để phát triển kinh tế - xã hội.
(2) Uỷ ban Nhân dân cấp huyện:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai 2024, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:
- Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 01 tháng 02 năm 2015 theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân quy định tại Điều 176 của Luật này, thời hạn sử dụng đất tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; phần diện tích vượt hạn mức (nếu có) thì ưu tiên giao cho đối tượng theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản này hoặc phải chuyển sang thuê đất;
- Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất mà có giấy tờ của nông, lâm trường quốc doanh về việc giao đất để làm nhà ở hoặc làm nhà ở kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật này;
- Giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo tại địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;
- Giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;
- Giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích công cộng và các mục đích khác theo quy định của pháp luật;
- Giao diện tích đất chưa thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
Các công ty nông, lâm nghiệp có trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, theo đó, các công ty nông, lâm nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện việc rà soát hiện trạng sử dụng đất và cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất.