Xin nghỉ không đúng hạn nhưng công ty chấp nhận vẫn bị coi là trái luật? Nghỉ không lương trùng ngày 30/4 có được hưởng lương?
Nội dung chính
Xin nghỉ không đúng hạn nhưng công ty chấp nhận vẫn bị coi là trái luật? Nghỉ không lương trùng ngày 30/4 có được hưởng lương?
Xin nghỉ không đúng hạn nhưng công ty chấp nhận vẫn bị coi là trái luật?
Tôi viết đơn xin nghỉ việc trước 15 ngày và có ghi rõ ngày tôi sẽ nghỉ việc và đã được giám đốc ký và chấp nhận bây giờ khi tôi lên lãnh lương công ty lại thông báo là tôi nghỉ không đúng luật và trừ 50% lương của tôi có đúng không? Hợp đồng của tôi là hợp đồng lao động thời hạn 2 năm.
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước it nhất 30 ngày.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn 2 năm, về nguyên tắc, khi muốn nghỉ việc, bạn phải báo trước ít nhất là 30 ngày theo quy định trên. Nếu công ty không đồng ý mà bạn vẫn nghỉ thì trường hợp của bạn là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Tuy nhiên, trường hợp bạn báo trước chỉ 15 ngày nhưng công ty đồng ý và ký giấy cho bạn nghỉ thì trường hợp này được xác định là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận của các bên theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019.
Do đó, không có căn cứ để công ty cho rằng bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Trường hợp công ty thanh toán không đủ tiền lương, bạn có thể khiếu nại lên giám đốc công ty để được giải quyết.
Nghỉ không lương trùng ngày 30/4 có được hưởng lương?
Tôi bị bệnh và xin nghỉ, dự định đi làm lại vào ngày 4/5 dương lịch. Nhân sự có nói trước với tôi là sẽ không trả lương 02 ngày 30/4, 1/5 theo Luật Lao động với lí do trong tháng nghỉ. Liệu tôi có được hưởng tiền lương theo quyền lợi của mình? Mong sớm có lời hồi đáp.
Trả lời, tại Điều 112 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết, cụ thể:
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, ngày lễ 30/4 và 1/5 người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày và được hưởng nguyên lương. Do đó, dù trong khoảng thời gian chị đang nghỉ bệnh và không đi làm thì chị vẫn được hưởng nguyên lương đối với 02 ngày này. Cho nên chị cần trao đổi lại với công ty để đảm bảo quyền lợi của mình.
Nghỉ việc thì có được trả tiền phép năm chưa nghỉ không?
Mình mới nghỉ việc sau khi thông báo với công ty và công ty đã đồng ý. Mà mình có 3 ngày phép (tính từ trước khi mình nghỉ vì theo quy định 1 tháng được 1 ngày) thì mình có được nhận tiền phép không?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 113 Bộ luật lao động 2019 thì trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Như vậy, chỉ có trường hợp thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hàng năm thì mới được thanh toán tiền lương của những ngày chưa nghỉ. Tuy nhiên, bạn nghỉ việc (chấm dứt hợp đồng lao động) nên bạn không thuộc trường hợp trên.
Do đó, công ty sẽ không bắt buộc phải thanh toán tiền cho những ngày bạn chưa nghỉ phép (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
Lưu ý: Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm (Khoản 3 Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Trân trọng.