Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn khác nhau như thế nào?
Nội dung chính
Ly hôn là gì?
Căn cứ vào khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 ta có khái niệm ly hôn như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:...
14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo đó, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Đây là quá trình pháp lý mà một hoặc cả hai bên trong hôn nhân yêu cầu Tòa án xem xét và đưa ra quyết định về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan như quyền nuôi con, chia tài sản và trách nhiệm cấp dưỡng sau ly hôn.
Ly hôn có thể diễn ra theo hai hình thức chính: thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.
Ly hôn là gì? (Hình từ Internet)
Sự khác nhau giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn?
Theo Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau:
Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Căn cứ vào Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014, quy định về đơn phương ly hôn:
Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Căn cứ vào cơ sở pháp lý nêu trên, thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn khác nhau ở những vấn đề sau:
(1) Về khái niệm:
Đơn phương ly hôn là tình huống khi một trong hai vợ chồng yêu cầu ly hôn, trong khi bên kia không đồng ý hoặc không thể thỏa thuận được các vấn đề liên quan đến mối quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng và phân chia tài sản.
Ly hôn thuận tình là trường hợp cả hai vợ chồng cùng đồng ý ly hôn và đã thống nhất về tất cả các vấn đề liên quan, bao gồm mối quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng và việc phân chia tài sản.
(2) Về đặc điểm cơ bản của vụ việc
Ly hôn thuận tình là việc dân sự, không có tranh chấp giữa hai bên vợ chồng, cả hai đều đã đồng ý ly hôn và đã thống nhất về tất cả các vấn đề. Quá trình giải quyết ly hôn thuận tình được thực hiện theo thủ tục việc dân sự, trong đó tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự về việc ly hôn.
Đơn phương ly hôn là một vụ án dân sự, trong đó tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến một hoặc nhiều vấn đề như quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, phân chia tài sản chung và giải quyết nợ chung. Quá trình đơn phương ly hôn kết thúc bằng một bản án có hiệu lực từ tòa án.
(3) Chi phí và thời gian giải quyết:
Thuận tình ly hôn
- Chi phí thường thấp hơn vì quá trình giải quyết ít tranh chấp và thủ tục đơn giản hơn.
- Thời gian giải quyết thường ngắn hơn, tùy thuộc vào tình trạng và thủ tục tại tòa án. Do cả hai bên đã thỏa thuận và đồng ý, quá trình thường diễn ra nhanh chóng.
Đơn phương ly hôn
- Chi phí cao hơn do có thể phát sinh thêm các khoản phí cho quá trình giải quyết tranh chấp và xét xử, bao gồm phí tạm ứng án phí, phí giám định, chi phí luật sư.
- Nếu có tranh chấp về tài sản hoặc quyền nuôi con, quá trình có thể kéo dài thêm do cần thời gian để thu thập chứng cứ và tiến hành các thủ tục tố tụng.
Trong trường hợp nào thì một trong hai vợ chồng có thể yêu cầu ly hôn đơn phương?
Theo Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014, để một trong hai vợ chồng có thể yêu cầu ly hôn đơn phương thì phải thuộc các trường hợp sau:
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc 1 trong các bên có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được….
- Khi một người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Khi một bên bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì bố mẹ hoặc người thân thích của bị hại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn….