Thứ 6, Ngày 15/11/2024
10:01 - 09/11/2024

Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán có tính trong thời gian thử việc hay không?

Thời gian thử việc có dính thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Vậy thời gian nghỉ Tết Nguyên đán có tính trong thời gian thử việc hay không?

Nội dung chính

    Nhân viên thử việc có được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày Tết Nguyên đán hay không?

    Theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

    Nghỉ lễ, tết
    1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
    a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
    b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
    c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
    d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
    đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
    e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
    2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
    3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.

    Căn cứ khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 giải thích về người lao động như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

    Theo đó, nhân viên thử việc cũng được xem là người lao động và được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những lễ Tết Nguyên đán theo quy định trên.

     Nhân viên thử việc có được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày Tết Nguyên đán hay không?

    (Hình từ Internet)

    Thời gian thử việc có bị kéo dài do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán hay không?

    Căn cứ Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:

    Thời gian thử việc
    Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
    1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
    2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
    3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
    4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

    Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định thời gian thử việc đối với công việc cần trình độ chuyên môn là không quá 180 ngày, 60 ngày, 30 ngày tùy thuộc vào vị trí công việc. Đồng thời không có quy định trong khoảng thời gian đó là những ngày làm việc bình thường. Do đó, trường hợp bạn nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần vẫn được tính vào thời gian nghỉ việc.

    Trong trường hợp của bạn, bạn thử việc công việc có trình độ chuyên môn với thời gian thử việc 30 ngày, do đó, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vẫn sẽ tính vào thời gian thử việc của bạn.

    Người sử dụng lao động không trả lương ngày Tết Nguyên đán cho nhân viên thử việc bị xử phạt như thế nào?

    Tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người sử dụng lao động không trả lương ngày Tết Nguyên đán cho nhân viên thử việc như sau:

    Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
    1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
    a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
    b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

    Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

    Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
    1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Căn cứ quy định trên, người sử dụng lao động có hành vi không trả lương ngày Tết Nguyên đán cho nhân viên thử việc sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân và gấp 02 lần đối với người sử dụng lao động là tổ chức.

    Trân trọng!