Quy định mới về căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất 2024?
Nội dung chính
Quy định mới về căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất 2024?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Tài nguyên nước 2023 thì việc cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất phải dựa trên căn cứ sau đây:
- Quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khả năng đáp ứng của nguồn nước;
- Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong vùng; yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước;
- Kết quả thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hồ sơ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất theo quy định của Chính phủ;
- Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước thể hiện trong đơn đề nghị cấp giấy phép.
Ngoài ra, trường hợp cấp giấy phép khai thác nước dưới đất, giấy phép thăm dò nước dưới đất còn phải căn cứ vào quy định tại Điều 30 và khoản 4 Điều 31 Luật Tài nguyên nước 2023.
Quy định mới về căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất 2024 (Hình từ Internet)
Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải có giấy phép theo quy định hiện hành là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 02/2023/NĐ-CP thì các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải có giấy phép theo quy định hiện hành như sau:
(1) Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm:
- Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 m3/giây đến 0,5 m3/giây;
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định của Nghị định 02/2023/NĐ-CP.
- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 m3/ngày đêm đến 100.000 m3/ngày đêm;
- Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 02/2023/NĐ-CP và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012 nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.
(2) Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có giấy phép, bao gồm:
- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều 17 Nghị định 02/2023/NĐ-CP;
- Các trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện này chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên.
10 hành vi về tài nguyên nước bị nghiêm cấm từ 01/7/2024 theo quy định Luật Tài nguyên nước 2023?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Tài nguyên nước 2023 thì 10 hành vi về tài nguyên nước bị nghiêm cấm như sau:
(1) Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước.
(2) Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển.
(3) Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
(4) Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.
(5) Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.
(6) Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.
(7) Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.
(8) Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.
(9) Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
(10) Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.