Quy chuẩn trước khi thực hiện đào, đắp đất đá ở công trường trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Nội dung chính
1. Quy chuẩn trước khi thực hiện đào, đắp đất đá ở công trường trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiểu tiết 2.8.2.1 Tiết 2.8.2 Tiểu mục 2.8 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn trước khi thực hiện đào, đắp đất đá ở công trường trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
a) Các công việc phải thực hiện để đào đất đá phải được lập kế hoạch và có biện pháp thi công, biện pháp xử lý các sự cố (ví dụ: sụp đổ hố đào, kết cấu liền kề hố đào, sụt lở khối đất đắp, điện giật, hỏa hoạn và các sự cố khác) và biện pháp cứu nạn cụ thể;
CHÚ THÍCH: Biện pháp thi công, xử lý các sự cố, cứu nạn do nhà thầu lập và phải được kiểm tra, chấp thuận theo các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
b) Sự ổn định của nền đất đá phải được đánh giá và xác nhận bởi người có thẩm quyền;
CHÚ THÍCH 1: Sự ổn định của nền đất đá được đánh giá theo các tiêu chí quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật của thiết kế và (hoặc) các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án.
CHÚ THÍCH 2: Người có thẩm quyền bao gồm người quản lý thi công của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) và người thiết kế hoặc nhà thầu thiết kế (trong trường hợp điều kiện địa chất hoặc tình trạng thực tế khác với quy định, giả thiết ban đầu của thiết kế).
c) Người có thẩm quyền (xem điểm b của 2.8.2.1) phải kiểm tra để đảm bảo công việc đào, đắp đất không làm ảnh hưởng đến các công trình, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông ở trong khu vực thi công và khu vực lân cận;
d) Chủ đầu tư và người sử dụng lao động phải xác định được vị trí cụ thể của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật có thể gây nguy hiểm khi thi công như cống ngầm, ống dẫn khí đốt, ống dẫn nước, đường dây dẫn điện và các hệ thống ngầm khác;
đ) Trong trường hợp cần thiết để ngăn ngừa nguy hiểm khi thi công, phải ngắt hoặc ngừng kết nối các hệ thống khí đốt, nước, điện hoặc các tiện ích khác có liên quan;
e) Trong trường hợp các đường ống ngầm, đường dây dẫn điện và những hệ thống ngầm khác không thể di dời hoặc không thể ngắt kết nối, chúng phải được rào ngăn cách hoặc treo lên cao và có đánh dấu cảnh báo đầy đủ hoặc có biện pháp bao bọc bảo vệ để ĐBAT;
g) Vị trí của các cầu tạm, đường tạm và các đống đất đá, phế thải phải được xác định cụ thể;
h) Cây cối, tảng đá, các vật cản khác trên mặt bằng đào, đắp đất đá nếu có thể gây nguy hiểm cho người trong quá trình thi công thì phải được dọn sạch;
i) Người sử dụng lao động phải kiểm tra và xác nhận khu vực thi công không bị nhiễm các chất khí, hóa chất độc hại hoặc các vật liệu phế thải ở mức độ có thể gây ra các tác động có hại đến sức khỏe (xem 2.18);
k) Việc đào đất đá bên trong các hầm ngầm, đường hầm hoặc công trình ngầm khác phải tuân thủ các quy định tại 2.8.3.
2. Quy chuẩn các bề mặt của hố đào trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiểu tiết 2.8.2.2 Tiết 2.8.2 Tiểu mục 2.8 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn các bề mặt của hố đào trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
2.8.2.2 Các bề mặt của hố đào phải được kiểm tra kỹ trong các trường hợp sau:
a) Hàng ngày, trước mỗi ca làm việc và sau khi ngừng công việc nhiều hơn 24 giờ;
b) Sau hoạt động nổ mìn;
c) Sau khi đất đá bị sạt, sụt lở bất ngờ;
d) Sau khi KCCĐT bị hư hỏng hoặc biến dạng quá mức cho phép;
đ) Sau khi có mưa lớn hoặc ngập, lụt; sương giá hoặc tuyết;
e) Khi đào gặp phải các tảng đá lớn.
2.8.2.3 Nếu biện pháp thi công đã được lập và phê duyệt không quy định việc sử dụng KCCĐT hoặc biện pháp khác để ngăn ngừa sụp đổ thành hố đào thì người sử dụng lao động phải kiểm soát để đảm bảo không có các tải trọng (do vật liệu, thiết bị, cây cối và các vật khác) hoặc xe, máy, thiết bị thi công di chuyển hoặc nằm ở gần mép các hố đào, các vị trí có khả năng gây sạt lở, sập hố đào hoặc rơi xuống hố đào.
2.8.2.4 Phải bố trí các vật cản (ví dụ: khối bê tông) để chặn và (hoặc) rào chắn vững chắc, phù hợp để ngăn các vật rơi xuống hố đào. Xe, máy, thiết bị thi công máy lớn không được phép đỗ gần hố đào trừ khi thiết kế chống đỡ hố đào đã xét đến tình huống này.
2.8.2.5 Trong quá trình đào đất đá, nếu phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ gây mất an toàn cho các kết cấu bên trên (đang có người làm việc) thì phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ĐBAT cho kết cấu đó.
CHÚ THÍCH: Các kết cấu liền kề hoặc bên trên hố đào phải được thường xuyên theo dõi, quan trắc để kiểm soát an toàn.
2.8.2.6 Chuyển dịch của đất đá ở thành hố đào (nơi người lao động phải đối mặt trực tiếp với nguy hiểm) phải được kiểm soát và ĐBAT bằng các biện pháp như tạo dốc thành hố đào, sử dụng KCCĐT, có thiết bị che chắn di động hoặc các biện pháp cần thiết khác tùy theo đặc điểm và tình trạng của đất đá ở thành hố đào.
2.8.2.7 Các KCCĐT phải được kiểm tra thường xuyên theo quy định tại 2.3 và có biện pháp để đảm bảo các thanh chống, nêm và các bộ phận khác trong tình trạng chắc chắn và không xảy ra hiện tượng chuyển dịch, biến dạng quá mức cho phép hoặc mất ổn định.
2.8.2.8 Trong quá trình đắp đất đá, nếu phát hiện các dấu hiệu mất an toàn của các kết cấu sử dụng để chắn hoặc đỡ cho khối đất đá được đắp thì phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ĐBAT cho kết cấu đó; phải thường xuyên theo dõi bề mặt khối đất đá được đắp để nhận diện nguy cơ sụt lở đất đá và có biện pháp ĐBAT phù hợp, đặc biệt trước các nguy cơ máy, thiết bị thi công bị nghiêng, đổ khi làm việc.
2.8.2.9 Các cấu kiện, kết cấu bằng gỗ phải được kiểm tra thường xuyên và có biện pháp để đảm bảo không bị mục, mối, mọt hoặc bị ẩm hay cong, vênh quá mức.
Trân trọng!