11:16 - 12/11/2024

Mẹ của bị cáo có được là người chứng kiến không? Người bị buộc tội có quyền chứng minh mình trong sạch không?

Mẹ của bị cáo có được là người chứng kiến không? Người bị buộc tội có quyền chứng minh mình trong sạch không? Có được từ chối ra làm chứng khi bị tòa án triệu tập?

Nội dung chính

    Mẹ của bị cáo có được là người chứng kiến không?

    Tôi muốn hỏi trường hợp có con là bị cáo và muốn bà mẹ là người chứng kiến trong vụ án hình sự có được không?

    Trả lời:

    Căn cứ Khoản 2 Điều 67 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:

    - Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

    - Những người sau đây không được làm người chứng kiến:

    + Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

    Căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:

    Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

    Như vậy, mẹ của bị cáo không được là người chứng kiến trong vụ án hình sự nêu trên.

    Người bị buộc tội có quyền chứng minh mình trong sạch không?

    Tôi muốn biết, theo quy định hiện hành thì người bị buộc tội có quyền chứng minh mình trong sạch, vô tội hay không?

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về xác định sự thật của vụ án như sau:

    Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

    Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

    Có được từ chối ra làm chứng khi bị tòa án triệu tập?

    Tôi là nhân chứng trong một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 1A. Sau khi xảy ra tai nan, cảnh sát giao thông có yêu cầu tôi lấy lời khai của tôi và ghi vào biên bản. Tuần trước, tòa án có gửi giấy triệu tập tôi tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng. Do công việc của tôi rất bận nên tôi không muốn đến tham dự phiên tòa, Xin anh chị tư vấn việc tôi không đến như vậy thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tôi cảm ơn.

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

    Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

    Đối với trường hợp của bạn, bạn đã được cơ quan tố tụng xác định là người làm chứng. Nếu bạn đã có lời khai của người làm chứng đầy đủ và có đơn đề nghị tòa xét xử vắng mặt người làm chứng thì tòa sẽ xem xét.

    Việc vắng mặt của bạn tại tòa phải có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và không gây trở ngại cho việc xét xử. Việc vắng mặt của bạn tại tòa sẽ do tòa quyết định. Nếu tòa đã triệu tập bạn đến vì nếu bạn vắng mặt sẽ gây trở ngại cho việc xét xử thì bạn phải đến, nếu không sẽ bị dẫn giải theo quy định pháp luật.

    Trân trọng!

    167
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ