08:54 - 01/10/2024

Hủy hợp đồng ủy quyền phải đến văn phòng công chứng trước đó đã ký, có đúng không?

Hủy hợp đồng ủy quyền phải đến văn phòng công chứng trước đó đã ký, có đúng không? Có được ủy quyền cho người thân rút tiền trong tài khoản ngân hàng khi đang bị tạm giam không? Công chứng hợp đồng ủy quyền tại nước ngoài?

Nội dung chính


    Hủy hợp đồng ủy quyền phải đến văn phòng công chứng trước đó đã ký, có đúng không? 

    Câu hỏi: Gia đình tôi với bác tôi muốn bỏ hợp đồng ủy quyền đã công chứng. Khi tôi đến văn phòng công chứng để hủy thì công chứng viên nói rằng muốn hủy hợp đồng này thì phải đến tại văn phòng trước hai bên đã ký. Như vậy là sao?

    Trả lời: 

    Theo Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau:

    - Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

    - Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

    - Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.

    Như vậy, khi gia đình bạn và bác bạn muốn hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã công chứng thì phải đến tại tổ chức hành nghề công chứng trước đó thực hiện và do công chứng viên ký xác nhận hợp đồng này. 

    Có được ủy quyền cho người thân rút tiền trong tài khoản ngân hàng khi đang bị tạm giam không? 

    Câu hỏi: Hiện nay chồng tôi còn tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng do làm ăn kinh tế chồng tôi bị bắt tạm giam nên không thể rút số tiền đó từ ngân hàng ra. Vậy cho tôi hỏi tôi cần phải làm thủ tục gì để chồng tôi ủy quyền cho tôi rút số tiền đó từ ngân hàng.

    Trả lời:

    Đối với vấn đề này chúng tôi xin đưa ra 02 hướng tư vấn như sau:

    Trường hợp 1: Số tiền trong tài khoản ngân hàng của chồng hoàn toàn không liên quan đến công việc làm ăn.

    Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định việc đại diện theo ủy quyền, theo đó:

    1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự."

    Theo quy định của pháp luật, ủy quyền là việc cho phép người khác nhân danh mình để thực hiện một công việc nào đó.

    Ủy quyền rút tiền trong tài khoản ngân hàng cũng như vậy, trong trường hợp khách hàng gửi tiền ngân hàng nhưng đến khi đến hạn tất toán hợp đồng, khách hàng vì một số lý do nào đó mà không thể đến ngân hàng làm thủ tục tất toán thì có thể làm thủ tục ủy quyền rút tiền. Người được ủy quyền có thể thay thế người gửi tiền làm các thủ tục tất toán.

    Tại Khoản 3 Điều 19 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định:

    3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án."

    Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng 2014 thì:

    1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

    Như vậy, trong trường hợp số tiền trong tài khoản ngân hàng của chồng hoàn toàn không liên quan đến công việc làm ăn. Trường hợp gia đình muốn rút tiền từ tài khoản ngân hàng của chồng bạn thì chồng bạn có thể làm thủ tục ủy quyền khi được chấp nhận của cơ quan thụ lý vụ án và lãnh đạo trại tạm giam.

    Việc lập hợp đồng ủy quyền thì bạn cần yêu cầu công chứng viên đến trại tạm giam nơi chồng bạn bị giam giữ để phối hợp với trại tạm giam thực hiện.

    Trường hợp 2: Số tiền trong tài khoản của chồng bạn có liên quan đến việc làm ăn.

    Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:

    1. Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội."

    Nếu số tiền trong tài khoản ngân hàng của chồng bạn có liên quan đến hành vi phạm tội thì sẽ bị phong tỏa tài khoản. Do đó, trường hợp này chồng bạn không thể ủy quyền cho bạn rút tiền trong tài khoản ngân hàng của mình được. Mục đích của việc phong tỏa tài khoản này nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. 

    - Trường hợp số tiền trong tài khoản ngân hàng không liên quan đến việc phạm tội của chồng bạn thì chồng bạn được ủy quyền cho bạn rút số tiền đó.

    -Trường hợp số tiền trong tài khoản trên liên quan đến việc phạm tội của chồng bạn thì sẽ không được ủy quyền cho người khác rút số tiền này nhằm tránh trường hợp tẩu tán tài sản.

    Công chứng hợp đồng ủy quyền tại nước ngoài?

    Câu hỏi: Hiện tại tôi có căn nhà chung cư do chồng đã mất để lại và 2 con. Hiện nay tôi muốn bán căn nhà này nhưng một người con ở bên Mỹ thì có cách nào để tôi có thể bán nhà mà không cần con tôi về hay không?

    Trả lời: 

    Theo quy định của luật hôn nhân gia đình thì căn nhà được coi là tài sản chung của hai vợ chồng. Do đó khi chồng chị mất thì 1/2 căn nhà là tài sản của chồng chị sẽ được để lại cho bố, mẹ chồng, chị (vợ) và các con. Do đó khi thực hiện việc bán căn hộ chung cư đó thì phải có chữ ký của các đồng thừa kế.

    Do đó, trong trường hợp này, con chị ở Mỹ có thể làm ủy quyền để chị ở VN có toàn quyền quyết định về phần tài sản thừa kế trong căn hộ chung cư đó và có thể thay mặt con chị ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng.

    Căn cứ Điều 65 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như sau:

    – Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản.

    – Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện công chứng phải có bằng cử nhân luật hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng.

    – Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao thực hiện công chứng theo thủ tục quy định tại Chương IV của Luật này, có quyền quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 22 của Luật này và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 22 của Luật này.

    Theo quy định nêu trên, chị có thể đến cơ quan đại diện Việt Nam ở Mỹ (Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) để yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền. Trình tự, thủ tục như sau:

    Hồ sơ yêu cầu công chứng theo Điều 35 Luật Công Chứng 2014:

    + Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;

    + Dự thảo hợp đồng (nếu có);

    + Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

    + Bản sao giấy tờ làm căn cứ ủy quyền.

    Trân trọng!

    665
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ