Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

Số hiệu 94/2015/QH13
Ngày ban hành 25/11/2015
Ngày có hiệu lực 01/01/2018
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 94/2015/QH13

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2015

 

LUẬT

THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

3. Cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

4. Viện kiểm sát nhân dân.

5. Tòa án nhân dân.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

3. Chế độ tạm giữ, tạm giam là chế độ quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam và chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu, gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

4. Cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.

5. Trích xuất là việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ trong thời gian nhất định theo lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện quyền, nghĩa vụ khác do luật định.

6. Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.

7. Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch và in dấu vân tay của tất cả các ngón của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.

8. Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.

[...]