08:18 - 30/09/2024

Hộ dân cư là gì? Phương pháp xác định hộ dân cư thế nào? Phạm vi quản lý hộ dân cư được quy định ra sao?

Hộ dân cư là gì? Phương pháp xác định hộ dân cư thế nào? Phạm vi quản lý hộ dân cư được quy định ra sao?

Nội dung chính

    Hộ dân cư là gì?

    Căn cứ theo Tiết 1.1 Tiểu mục 1 Mục I Phụ lục I Mẫu và Hướng dẫn ghi sổ ghi chép ban đầu về dân số, phiếu thu tin về dân số của cộng tác viên dân số (Ban hành kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/03/2022) quy định về khái niệm hộ dân cư như sau:

    Hộ dân cư gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có 2 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hoặc không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai.

    Hộ dân cư được ghi chép theo dõi về dân số không phân biệt là đã hay chưa được ngành công an cho “tách hộ hoặc nhập hộ”, “tách khẩu hoặc nhập khẩu”.

    Hộ dân cư bao gồm "hộ gia đình" và "hộ tập thể".

    Hộ gia đình gồm một nhóm người ăn chung, ở chung và có mối quan hệ hôn nhân, ruột thịt hay nuôi dưỡng trong một đơn vị nhà ở.

    Hộ tập thể gồm nhiều người sống xa gia đình hoặc chưa có gia đình riêng ở chung với nhau trong một đơn vị nhà ở do cơ quan, xí nghiệp, trường học, các tổ chức xã hội quản lý, hoặc của tư nhân cho thuê sử dụng.

    Phương pháp xác định hộ dân cư

    Bên cạnh đó, tại Tiết 1.2 Tiểu mục 1 Mục I Phụ lục này cũng quy định về phương pháp xác định hộ dân cư như sau:

    - Một hộ thường sử dụng toàn bộ hay một phần của 01 ngôi nhà/căn hộ nhưng cũng có những hộ sống trong các lều, lán, trại, nhà trọ, khách sạn hoặc nhà tập thể, doanh trại, ký túc xá,... hoặc không có nhà ở.

    - Trường hợp 01 gia đình có (thuê) 02 ngôi nhà hoặc căn phòng sát nhau để ở thì tính là 01 hộ, không tách hộ.

    - Trường hợp một người tuy ở chung trong ngôi nhà/căn hộ/nơi ở với 01 hộ nhưng lại nấu ăn riêng hoặc ăn ở nơi khác, thì người đó không được coi là thành viên hộ, mà phải tách ra thành một hộ riêng.

    - Trường hợp một đơn vị nhà ở có bố mẹ, các con đã có gia đình riêng và các cháu cùng cư trú thì mỗi con đã có gia đình riêng, không ăn chung được xác định là một hộ gia đình.

    - Trường hợp một hộ gia đình có người giúp việc gia đình, người ở trọ và người không có quan hệ họ hàng được coi là thành viên của hộ (còn gọi là nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ) nếu họ thường xuyên ngủ chung và ăn chung trong ngôi nhà/căn hộ/nơi ở của hộ từ 06 tháng trở lên. Nếu trong hộ gia đình có 3 người trở lên thuộc nhóm này, thì những người này được tách riêng thành một hộ tập thể tách biệt với hộ gia đình nêu trên.

    - Trường hợp một đơn vị nhà ở có nhiều người không có quan hệ họ hàng, thường xuyên sinh sống, bao gồm cả sinh viên nội trú tại các trường cao đẳng, đại học thì mỗi phòng ở trong một đơn vị nhà ở được xác định là một hộ tập thể.

    - Trường hợp người trẻ em (hoặc người già) đang phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ (hoặc con) nhưng thường xuyên cư trú ở đơn vị nhà ở khác với bố mẹ (hoặc con), (hộ có nhiều nơi ở hoặc hộ có học sinh phổ thông học đi trọ học ở nơi khác), thì quy ước số người này là thành viên hộ của bố mẹ (hoặc con) và được theo dõi chung vào một hộ; không tách riêng hộ.

    Phạm vi quản lý hộ dân cư

    Phạm vi quản lý hộ dân cư được quy định tại Tiết 1.3 Tiểu mục 1 Mục I Phụ lục này như sau:

    - Cộng tác viên dân số quản lý các hộ dân cư đã và đang sinh sống trên địa bàn dân cư được phân công quản lý của cấp xã, trừ địa bàn đặc thù do quân đội, công an, ngoại giao quản lý.

    - Các hộ dân cư (hộ gia đình và hộ tập thể) trên địa bàn đặc thù do quân đội, công an, ngoại giao quản lý được các Bộ chủ quản theo dõi, báo cáo riêng.

    Trân trọng!

    61