15:18 - 08/11/2024

Giám sát công tác triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như thế nào?

Giám sát công tác triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như thế nào? Lập nhật ký giám sát công tác triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước ra sao? Giám sát tác giả trong triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước?

Nội dung chính

    Giám sát công tác triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như thế nào?

    Căn cứ Điều 6 Thông tư 24/2020/TT-BTTTT quy định giám sát công tác triển khai như sau:

    1. Các dự án trong quá trình triển khai xây lắp, lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết bị (bao gồm hiệu chỉnh vật tư, thiết bị), cài đặt phần mềm phải thực hiện chế độ giám sát công tác triển khai theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP. Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ giám sát công tác triển khai hoặc tự thực hiện giám sát công tác triển khai (gọi chung là đơn vị giám sát công tác triển khai). Các công việc chính của hoạt động giám sát công tác triển khai theo quy định tại Điều này.

    2. Kiểm tra các điều kiện để triển khai

    a) Kiểm tra đảm bảo có mặt bằng triển khai, các yếu tố hạ tầng kỹ thuật có liên quan;

    b) Kiểm tra đảm bảo có hợp đồng triển khai đã được ký kết;

    c) Kiểm tra đảm bảo có hồ sơ thiết kế chi tiết đã được phê duyệt;

    d) Kiểm tra có tiến độ thực hiện chi tiết do nhà thầu triển khai lập;

    đ) Kiểm tra biện pháp an toàn vận hành, phòng, chống cháy, nổ (nếu có);

    e) Lập biên bản kiểm tra điều kiện để triển khai.

    3. Kiểm tra sự phù hợp về năng lực của nhà thầu triển khai so với hợp đồng

    a) Kiểm tra về nhân lực triển khai của nhà thầu triển khai tại hiện trường nhằm đảm bảo đúng nhân lực nhà thầu triển khai cam kết trong hợp đồng và các công việc nhân lực đó đảm nhận theo đúng nhiệm vụ được phân công;

    b) Kiểm tra về hệ thống quản lý chất lượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này (nếu có);

    c) Kiểm tra việc ứng vốn của nhà thầu triển khai để thực hiện hợp đồng theo cam kết của nhà thầu (nếu có nêu trong hợp đồng);

    d) Kiểm tra về các yêu cầu năng lực khác có nêu trong hợp đồng triển khai;

    đ) Lập biên bản kiểm tra sự phù hợp về năng lực của nhà thầu triển khai so với hợp đồng.

    4. Kiểm tra vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm trước khi xây lắp, lắp đặt, cài đặt

    a) Kiểm tra về số lượng, hình thức vật lý bên ngoài của các thiết bị công nghệ thông tin; kiểm tra các căn cứ để chứng minh bản quyền (nếu có) của phần mềm thương mại (tính hợp pháp, số lượng);

    b) Kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ (CO), giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất (CQ) và các giấy tờ liên quan đến vật tư, thiết bị công nghệ thông tin nêu trong hợp đồng triển khai trước khi đưa vào triển khai;

    c) Kiểm tra các thông số kỹ thuật của các vật tư, thiết bị công nghệ thông tin so với các thông tin ghi trong hợp đồng và hồ sơ thiết kế chi tiết trước khi đưa vào triển khai;

    d) Khi có nghi ngờ đối với vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm, đơn vị giám sát công tác triển khai phải kết hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra trực tiếp vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm được xây lắp, lắp đặt, cài đặt trong dự án. Trường hợp các vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm không phù hợp với thiết kế chi tiết được duyệt, đơn vị giám sát công tác triển khai phối hợp với chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu triển khai đưa ra khỏi khu vực triển khai;

    đ) Lập biên bản kiểm tra vật tư, thiết bị, phần mềm trước khi xây lắp, lắp đặt, cài đặt.

    5. Giám sát trong quá trình triển khai

    a) Kiểm tra và giám sát quá trình nhà thầu triển khai thực hiện các công việc tại địa điểm triển khai. Kết quả kiểm tra phải được ghi vào nhật ký giám sát công tác triển khai;

    b) Kiểm tra việc bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị được xây lắp, lắp đặt trong vùng, khu vực, địa điểm triển khai của dự án (nếu có). Trong trường hợp gây hư hại, hỏng hóc, ảnh hưởng tới vùng, khu vực, địa điểm triển khai, đơn vị giám sát công tác triển khai báo cáo chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu triển khai lập biên bản hiện trường theo mẫu tại Phụ lục I của Thông tư này;

    c) Phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai (nếu có);

    d) Đề nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh thiết kế chi tiết khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế chi tiết;

    đ) Tham gia nghiệm thu, bàn giao sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án.

    6. Giám sát khối lượng triển khai

    a) Giám sát khối lượng triển khai theo hợp đồng triển khai và thiết kế chi tiết được phê duyệt;

    b) Xác nhận khối lượng triển khai do nhà thầu triển khai đã hoàn thành và đối chiếu với thiết kế chi tiết được duyệt. Nếu có thay đổi khối lượng so với hợp đồng, phải báo cáo chủ đầu tư để xem xét, phê duyệt. Kết quả phê duyệt phần khối lượng thay đổi là cơ sở để nghiệm thu khối lượng công việc, thanh toán, quyết toán.

    7. Giám sát tiến độ triển khai

    a) Theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện;

    b) Đề xuất với chủ đầu tư, nhà thầu triển khai và các bên liên quan điều chỉnh tiến độ thực hiện trong trường hợp tiến độ thực hiện ở một số giai đoạn bị kéo dài;

    c) Đề xuất chủ đầu tư phạt vi phạm và yêu cầu nhà thầu triển khai bồi thường thiệt hại khi kéo dài tiến độ thực hiện gây thiệt hại cho chủ đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu triển khai.

    8. Giám sát các thay đổi trong quá trình triển khai

    Trong quá trình triển khai, trường hợp phát hiện những yếu tố bất hợp lý hoặc xuất hiện yếu tố mới nếu không thay đổi thiết kế chi tiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của dự án, tiến độ triển khai, biện pháp triển khai và hiệu quả đầu tư của dự án, đơn vị giám sát công tác triển khai báo cáo chủ đầu tư, đồng thời đề nghị nhà thầu triển khai lập biên bản hiện trường theo mẫu tại Phụ lục I của Thông tư này.

    9. Các nội dung giám sát công tác triển khai khác theo quy định tại hợp đồng giám sát công tác triển khai.

    10. Xây dựng Báo cáo kết quả giám sát công tác triển khai.

    Đơn vị giám sát công tác triển khai có trách nhiệm lập Báo cáo kết quả giám sát công tác triển khai gửi chủ đầu tư. Nội dung chính của Báo cáo kết quả giám sát công tác triển khai theo mẫu tại Phụ lục I của Thông tư này.

    Lập nhật ký giám sát công tác triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước ra sao?

    Theo Điều 7 Thông tư 24/2020/TT-BTTTT quy định lập nhật ký giám sát công tác triển khai như sau:

    1. Nhật ký giám sát công tác triển khai do đơn vị giám sát công tác triển khai lập, dùng để mô tả công việc trong quá trình giám sát công tác triển khai và thể hiện các thông tin trao đổi, xác nhận giữa chủ đầu tư, đơn vị giám sát công tác triển khai và các bên có liên quan khác.

    2. Nhật ký giám sát công tác triển khai phải được thể hiện theo ngày triển khai và được đóng quyển, đánh số trang, đóng dấu giáp lai của đơn vị giám sát công tác triển khai.

    3. Nội dung nhật ký giám sát công tác triển khai bao gồm các nội dung cơ bản sau:

    a) Danh sách cán bộ tham gia của các bên trực tiếp giám sát công tác triển khai (chức danh và nhiệm vụ của từng người) bao gồm: đơn vị giám sát công tác triển khai, giám sát tác giả (nếu có);

    b) Nội dung, diễn biến, kết quả tình hình giám sát công tác triển khai tương ứng với từng nội dung triển khai của nhà thầu triển khai;

    c) Những sai lệch trong quá trình triển khai so với hồ sơ thiết kế chi tiết, ghi rõ nguyên nhân, kèm theo biện pháp sửa chữa (nếu có); đề xuất, kiến nghị (nếu có);

    d) Các biên bản được lập trong quá trình giám sát công tác triển khai là một phần nội dung không tách rời của quyển nhật ký giám sát công tác triển khai.

    4. Nhật ký giám sát công tác triển khai được lập theo mẫu tại Phụ lục I của Thông tư này.

    Giám sát tác giả trong triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước?

    Tại Điều 8 Thông tư 24/2020/TT-BTTTT quy định giám sát tác giả như sau:

    1. Đơn vị lập thiết kế chi tiết đối với trường hợp thiết kế 02 bước, đơn vị lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với trường hợp thiết kế 01 bước có trách nhiệm thực hiện giám sát tác giả.

    2. Nội dung thực hiện giám sát tác giả.

    a) Giải thích và làm rõ các tài liệu thiết kế chi tiết khi có yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu triển khai, đơn vị giám sát công tác triển khai;

    b) Phối hợp với chủ đầu tư khi được yêu cầu để giải quyết các vướng mắc, phát sinh về thiết kế trong quá trình triển khai, điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế triển khai, xử lý những bất hợp lý trong thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư, có ý kiến vào nhật ký công tác triển khai;

    c) Phối hợp với nhà thầu giám sát công tác triển khai thông báo kịp thời cho chủ đầu tư và kiến nghị biện pháp xử lý khi phát hiện việc triển khai của nhà thầu triển khai sai với thiết kế được duyệt;

    d) Tham gia nghiệm thu khi có yêu cầu của chủ đầu tư. Trường hợp phát hiện sản phẩm, hạng mục công việc của dự án không đủ điều kiện nghiệm thu phải có ý kiến kịp thời bằng văn bản gửi chủ đầu tư.

     

    13