Tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế, hóa đơn, giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử?
Nội dung chính
Tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nào?
Căn cứ mục 1 Công văn 769/TCT-TTKT ngày 17/3/2022 quy định tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao (đặc biệt các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế, hóa đơn, giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử,...), các ngành nghề tăng trưởng mạnh, có dư địa thu như sau:
- Về lĩnh vực hóa đơn:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm phát hiện việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo quy định.
- Về lĩnh vực hoàn thuế:
Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo quy định.
+ Đánh giá rủi ro để có thể lựa chọn, rà soát và kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao theo các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế.
+ Kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT. Phát hiện kịp thời những trường hợp lợi dụng chính sách để hoàn thuế không đúng đối tượng, sai mục đích. Chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Tăng cường tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề chống gian lận trong hoàn thuế GTGT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thuế điện tử.
- Về lĩnh vực thương mại điện tử:
+ Tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc, đặc biệt chú trọng tới các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và hoạt động thông qua các sàn thương mại điện tử.
+ Rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube,... để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế. Trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có loại hình kinh doanh thương mại điện tử có rủi ro cao về thuế để thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế, trường hợp cần thiết thì bổ sung vào kế hoạch thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
+ Chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để cùng phối hợp xử lý kịp thời.
- Về lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản:
+ Rà soát và thu thập thông tin từ các phòng công chứng, ngân hàng để đối chiếu xác minh nguồn thu nhập của các cá nhân có hoạt động giao dịch bất động sản;
+ Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp được biết thực hiện.
+ Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nhằm quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản một cách hiệu quả, đảm bảo chống thất thu thuế đối với hoạt động này.
- Về các lĩnh vực khác:
+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế và thuốc chữa bệnh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, lưu ý kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách trong hoạt động ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch Covid 19 của người nộp thuế.
+ Chấn chỉnh và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo dùng quy trình, thủ tục theo quy định, quy trình kiểm tra thuế. Tăng cường công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra thuế nhằm đảm bảo việc chấp hành pháp luật, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của công chức thuế và ý thức kỷ luật của Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.
+ Rà soát, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu. Bám sát tình hình thu NSNN, đặc biệt đối với 18 địa phương có số thu điều tiết về NSTW và những khoản thu thuộc NSTW, tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong điều hành thu NSTW.
Tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế, hóa đơn, giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử?
Nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong công tác chống thất thu ngân sách nhà nước?
Căn cứ mục 3 Công văn 769/TCT-TTKT ngày 17/3/2022 quy định về việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong công tác chống thất thu ngân sách nhà nước như sau:
- Cơ quan thuế các cấp tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan Công an và các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành trong trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các doanh nghiệp có rủi ro cao về chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế để tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm về thuế trong lĩnh vực giá chuyển nhượng.
- Tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan nội ngành; kết nối liên thông với các cơ quan khác (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; dữ liệu đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dữ liệu quản lý đất đai của các tỉnh, thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối với các ngân hàng thương mại để phát hiện các giao dịch bất thường, Cơ quan công chứng, Ngân hàng...) nhằm quản lý nguồn thu, xác định nghĩa vụ tài chính và kiểm tra, đôn đốc nộp thuế.
- Cơ quan thuế các cấp phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra nhà nước khác nhằm đôn đốc kịp thời số tiền thuế theo kiến nghị vào NSNN.
- Tiếp tục phối hợp với cơ quan Hải quan để có cơ sở dữ liệu nhận diện đánh giá mức độ rủi ro trong công tác hoàn thuế GTGT và xác định nghĩa vụ kê khai nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Trách nhiệm đôn đốc thu nộp đầy đủ, kịp thời số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và nợ đọng thuế?
Căn cứ mục 2 Công văn 769/TCT-TTKT ngày 17/3/2022 quy định về việc đôn đốc thu nộp đầy đủ, kịp thời số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và nợ đọng thuế như sau:
- Các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế theo dõi, đẩy mạnh việc đôn đốc thu hồi kịp thời các khoản tiền thuế, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách nhà nước.
- Triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế để thu hồi nợ thuế vào NSNN, đồng thời tập trung xử lý miễn tiền chậm nộp theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 năm 2021 và Nghị định 92/2021/NĐ-CP, khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không có khả năng thu hồi theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Thông tư số 69/2020/TT-BTC đúng quy định pháp luật, không để nợ chờ xử lý kéo dài.
- Xây dựng kế hoạch làm việc với các đơn vị có số tiền thuế nợ lớn để đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ. Rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án đầu tư mới phát sinh; đôn đốc thu hồi đầy đủ các khoản thuế được gia hạn theo quy định, thực hiện truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ...Đồng thời kiên quyết xử lý, áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế đối với những doanh nghiệp không thuộc diện không được gia hạn nhưng vẫn cố tình chây ì không nộp kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.
- Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư,... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.