Đảng viên chơi hụi bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Đảng viên chơi hụi bị xử phạt như thế nào?
CCPL: Bộ luật Dân sự 2015; Bộ luật Hình sự 2015; Quy định 102-QĐ/TW năm 2017; Nghị định 19/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ 05/04/2019.
1. Đảng viên có được tham gia chơi hụi?
Tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:
- Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
- Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
- Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Theo đó, việc chơi hụi cần phải tuân theo một số nguyên tắc tại Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, có hiệu lực từ 05/04/2019:
- Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự. Cụ thể:
+ Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
+ Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
+ Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
+ Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
+ Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
- Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.
- Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
=> Từ những quy định trên, hoạt động chơi hụi bản chất nó không vi phạm pháp luật mà nó chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng nó để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, việc tham gia chơi hụi được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Do đó, dù bạn là công chức Nhà nước hay là đảng viên thì việc tham gia chơi hụi là điều mà pháp luật không cấm.
2. Mức xử phạt đối với Đảng viên tham gia chơi hụi
Không phải bất kì trường hợp nào đảng viên tham gia chơi hụi đều bị xử phạt, mà như trên có phân tích trường hợp chơi hụi theo đúng mục đích tương trợ lẫn nhau, thì lúc này việc chơi hụi là việc nên làm.
Tuy nhiên, với trường hợp lợi dụng việc tham gia chơi hụi để cho vay nặng lãi, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì lúc này việc tham gia chơi hụi đã bị biến chất. Cụ thể tại Điểm c Khoản 3 Điều 31 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 có quy định:
Đảng viên cho vay nặng lãi, sử dụng các hành vi trái pháp luật dưới mọi hình thức để đòi nợ sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là khai trừ ra khỏi đảng.
Và với hành vi trên việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 là điều dễ hiểu.
Kết luận: Là công chức nhà nước hay là đảng viên thì đều có thể tham gia chơi hụi, vì theo nguyên tắc của việc chơi hụi là không phân biệt đối xử là bình đẳng, nhằm mục đích tương trợ lần nhau. Tuy nhiên, ở một số trường hợp việc tham gia chơi hụi nhằm mục đích khác, thì lúc này chính người cán bộ, công chức nhà nước sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng, bên cạnh trách nhiệm hình sự thì còn có thể bị khai trừ ra khỏi đảng.
Trân trọng và chúc bạn sức khỏe!