15:57 - 04/12/2024

Có được hưởng đồng thời chế độ ốm đau và chế độ tai nạn lao động khi người lao động bị tông xe trên đường đi làm?

Người lao động bị tông xe trên đường đi làm thì được hưởng những chế độ gì? Điều kiện và thời gian hưởng chế độ ốm đau của người lao động theo quy định mới nhất?

Nội dung chính

    Có được hưởng đồng thời chế độ ốm đau và chế độ tai nạn lao động, khi người lao động bị tông xe trên đường đi làm?

    Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:

    Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
    Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
    1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
    b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
    c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

    Đồng thời tại Công văn 747/TTr/TTLĐ năm 2023 đã đề cập về trường hợp người lao động bị tông xe trên đường đi làm sẽ được hưởng các chế độ như sau:

    Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định: người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý được coi là tai nạn lao động. Tuy nhiên, quy định này đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 khi Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực. Theo đó, không còn quy định về tai nạn được coi là tai nạn lao động. Trường hợp này cũng không phải là tai nạn lao động theo định nghĩa tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Vì vậy, người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện (mặc dù người lao động vẫn được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động).
    Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp nêu trên thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

    Theo đó, trường hợp người lao động bị tông xe trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì người lao động sẽ được hưởng đồng thời chế độ ốm đau và chế độ tai nạn lao động, khi đủ điều kiện theo pháp luật quy định.

    Người lao động bị tông xe trên đường đi làm thì được hưởng những chế độ gì?Người lao động bị tông xe trên đường đi làm thì được hưởng những chế độ gì? (Hình từ Internet)

    Điều kiện hưởng chế độ ốm đau của người lao động theo quy định mới nhất?

    Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:

    Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
    1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:
    a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
    b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
    c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

    Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:

    Đối tượng, điều kiện hưởng chế độ ốm đau
    1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:
    a) Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;
    b) Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;
    c) Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
    d) Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản này;
    đ) Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
    e) Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.
    ...

    Theo các quy định trên, ngoài các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm các trường hợp được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc gồm:

    - Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

    - Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản này;

    - Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật.

    *Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

    Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 43 và Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm (từ ngày 1/1 đến ngày 31/12) đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

    - Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

    - Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

    Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động trong trường hợp này bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

    Lưu ý: Trường hợp hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định nêu trên, mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức theo quy định sau đây và thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần:

    - Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên.

    - Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

    - Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm.

    9