14:34 - 23/09/2024

Có bắt buộc cán bộ công chức phải thực hiện giải trình khi xác minh tài sản thu nhập không? Thủ tục thực hiện việc giải trình của cán bộ công chức trong xác minh tài sản thu nhập như thế nào?

Cho tôi hỏi có bắt buộc cán bộ công chức phải thực hiện giải trình khi xác minh tài sản thu nhập không?

Nội dung chính


    Có bắt buộc cán bộ công chức phải thực hiện giải trình khi xác minh tài sản thu nhập không?

    Theo Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về trình tự xác minh tài sản thu nhập như sau:

    Trình tự xác minh tài sản, thu nhập

    1. Ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập.

    2. Yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình.

    3. Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.

    4. Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập.

    5. Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

    6. Gửi và công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

    Đồng thời tại Điều 47 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của người được xác minh tài sản, thu nhập như sau:

    Quyền và nghĩa vụ của người được xác minh tài sản, thu nhập

    1. Giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

    ...

    Tại khoản 2 Điều 46 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về tổ xác minh tài sản, thu nhập như sau:

    Tổ xác minh tài sản, thu nhập

    ...

    2. Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

    a) Yêu cầu người được xác minh giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó;

    ...

    Theo đó, việc giải trình của cán bộ công chức khi xác minh thu nhập tài sản là nghĩa vụ của người được xác minh. Bên cạnh đó, đó cũng là 01 giai đoạn trong thủ tục xác minh thu nhập tài sản của cán bộ công chức.

    Như vậy, cán bộ công chức buộc phải thực hiện việc giải trình trong xác minh thu nhập tài sản.

    Có bắt buộc cán bộ công chức phải thực hiện giải trình khi xác minh tài sản thu nhập không? (Hình từ Internet)

    Thủ tục thực hiện việc giải trình của cán bộ công chức trong xác minh tài sản thu nhập như thế nào?

    Theo Mục 4 Phần 2 Thủ tục hành chính được thay thế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 70/QĐ-TTCP năm 2021 quy định về thủ tục thực hiện việc giải trình của cán bộ công chức như sau:

    Bước 1: Thu thập, xác minh thông tin có liên quan.

    Bước 2: Làm việc trực tiếp với người yêu cầu giải trình để làm rõ những nội dung có liên quan khi thấy cần thiết. Nội dung làm việc được lập thành biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên.

    Bước 3: Ban hành văn bản giải trình với các nội dung sau:

    - Họ tên, địa chỉ người yêu cầu giải trình;

    - Nội dung yêu cầu giải trình;

    - Kết quả làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân (nếu có);

    - Các căn cứ pháp lý để giải trình;

    - Nội dung giải trình cụ thể.

    Bước 4: Gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu giải trình.

    Lưu ý:

    - Trường hợp yêu cầu giải trình trực tiếp có nội dung đơn giản thì việc giải trình có thể thực hiện bằng hình thức trực tiếp nhưng phải được lập thành biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên.

    - Giải trình được thực hiện bằng ban hành văn bản giải trình.

    Trường hợp nào cán bộ, công chức được yêu cầu giải trình có thể từ chối yêu cầu giải trình?

    Theo Điều 5 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định về những trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình như sau:

    Những trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình

    1. Không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

    2. Nội dung yêu cầu giải trình thuộc trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng.

    3. Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình.

    4. Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, cán bộ công chức được yêu cầu giải trình có thể từ chối yêu cầu nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau:

    [1] Không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình

    [2] Nội dung yêu cầu giải trình thuộc trường hợp sau (trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng):

    - Nội dung không thuộc phạm vi giải thích

    - Nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết

    [3] Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình.

    [4] Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp

     

    2