13:36 - 06/11/2024

Bao nhiêu tuổi thì được xem phim 18+ chiếu rạp?

Bao nhiêu tuổi thì được xem phim 18+ mở rạp? Các tiêu chí giúp nhận biết phim 18+ là gì?

Nội dung chính

    Bao nhiêu tuổi thì được xem phim 18+ chiếu rạp?

    Căn cứ Điều 2 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định về các mức phân loại phim như sau:

    Mức phân loại phim
    Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại quy định tại Điều 3 Thông tư này được xếp từ thấp đến cao như sau:
    1. Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
    2. Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
    3. Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
    4. Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
    5. Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
    6. Loại C: Phim không được phép phổ biến.

    Như vậy, theo quy định hiện hành thì tùy vào nội dung của từng bộ phim mà Cục điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ cấp giấy phép phân loại phim để phù hợp với từng độ tuổi của người xem.

    Đối với phim 18+ là phim được phổ biến đến người từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng nghĩa phim sẽ cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18.

    Bao nhiêu tuổi thì được xem phim 18+ chiếu rạp? Phim chiếu rạp (hình ảnh internet)

    Việc phân loại phim hiện nay được thực hiện dựa trên những tiêu chí nào?

    Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chí phân loại áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim hiện nay có 07 tiêu chí phân loại phim gồm:

    - Tiêu chí về chủ đề, nội dung.

    - Tiêu chí về bạo lực.

    - Tiêu chí về khỏa thân, tình dục.

    - Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện.

    - Tiêu chí về kinh dị.

    - Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục.

    - Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

    Các tiêu chí giúp nhận biết phim 18+ là gì?

    Theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định về phân loại phim 18+ như sau:

    (1) Chủ đề, nội dung

    - Nội dung phim đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, chi tiết nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với nội dung phim;

    - Đối với thể loại phim hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em có thể miêu tả ở mức độ mạnh, miêu tả chi tiết, tác động đến người xem ở mức độ mạnh nhưng không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài;

    - Đối với các chủ đề, nội dung nhạy cảm, đề tài hiện thực về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế có thể miêu tả ở mức độ trung bình, có thể khai thác sâu nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình.

    (2) Bạo lực

    - Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hành vi bạo lực tác động đến người xem từ trên miêu tả ở mức độ mạnh đến dưới miêu tả ở mức độ quá mức; có thể miêu tả ở mức độ mạnh nhưng không có thời lượng kéo dài, tần suất ở mức độ trung bình và phù hợp với thể loại phim;

    - Được phép miêu tả ngụ ý bạo lực tình dục nhưng miêu tả ở mức độ trung bình và phải phù hợp với nội dung phim.

    (3) Khỏa thân, tình dục

    - Có thể có hình ảnh khỏa thân toàn bộ cơ thể người được miêu tả ở mức độ trung bình, không có thời lượng kéo dài, không cận cảnh, không đặc tả bộ phận sinh dục, phù hợp với nội dung phim nhưng không lạm dụng hình ảnh khỏa thân, không kích động tình dục;

    - Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim, không có thời lượng kéo dài và không khai thác sâu.

    (4) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện

    - Như mức phân loại T16;

    - Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, sản xuất, tàng trữ ma túy và các chất gây nghiện trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi sai trái đó và kết quả, những nhân vật thực hiện hành động này phải bị trừng phạt, loại trừ.

    (5) Kinh dị

    Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả ở mức độ mạnh với cảm giác đe dọa liên tục nhưng không có thời lượng kéo dài, không tác động quá mức tới tâm lý và cảm xúc của người xem.

    (6) Ngôn ngữ thô tục

    - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được miêu tả ở mức độ mạnh hơn so với phim được phân loại ở mức T16 nhưng không được làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục;

    - Đối với phim đề tài phản ánh hiện thực xã hội, có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được diễn ra thường xuyên nhưng không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung phim.

    (7) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước

    - Khi nội dung phim chứa các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ nguy hiểm, dễ bắt chước hoặc cách xử lý có nguy cơ gây tổn hại cho các cá nhân hoặc thông qua hành vi của họ có thể gây hại cho xã hội, thì kết quả phải được xử lý triệt để, có thông điệp giáo dục và ngăn chặn;

    - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi dễ bắt chước không được miêu tả chi tiết và không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình.

    37